Bộ Tài chính: Giá xăng dầu tăng khiến CPI tháng 3 có thể vẫn ở mức cao
Bộ Tài chính cho rằng, đến nay, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất, nguồn cung.
Bộ Tài chính cho rằng, đến nay, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất, nguồn cung.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, trên cơ sở đánh giá diễn biến mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ trong thời gian qua, dự báo CPI tháng 3 có thể tiếp tục ở mức cao do chịu tác động chủ yếu từ giá xăng dầu tăng.
Tuy nhiên, dự báo CPI bình quân 3 tháng đầu năm sẽ ở mức từ 2 - 2,1% và vẫn nằm trong kịch bản lạm phát đã được báo cáo Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá (dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,42 - 4,3%).
Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 9 tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 0,5% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trong cuộc họp mới đây đã lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải theo dõi sát diễn biến thị trường, đánh giá đúng tình hình, đảm bảo đủ nguồn cung đối với từng mặt hàng cụ thể. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng dẫn đến giá cả biến động.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành điều hành linh hoạt, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ, không gây tác động tiêu cực đối với kiểm soát giá. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao quản lý chặt chẽ từng mặt hàng cụ thể theo đúng quy định của pháp luật về giá. Những vấn đề vượt quá chức năng, nhiệm vụ được giao thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Mục tiêu trọng tâm là phải kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, LPG; thép xây dựng, xi măng; dịch vụ vận tải; thức ăn chăn nuôi, thịt lợn, gạo; vật tư trang thiết bị y tế…) theo đúng quy định của pháp luật về giá.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý, trong điều kiện biến động khó lường, phải tăng cường biện pháp quản lý, các bộ, ngành, địa phương phải hết sức sát sao, nắm chắc tình hình, thực hiện các biện pháp điều hành giá linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, gắn với tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về giá.
Liên quan đến giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho rằng, mặt hàng xăng dầu trong nước hiện chịu áp lực lớn về nguồn cung cho nhu cầu tiêu dùng và diễn biến giá thế giới. Do đó, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các biện pháp điều hành để ổn định nguồn cung. Trên cơ sở nắm bắt dự báo, diễn biến giá xăng dầu thế giới để có phương án điều hành phù hợp.
Ngoài ra, cần sử dụng Quỹ Bình ổn giá hợp lý, linh hoạt để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước; địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng diễn biến giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý...
Cùng với đó, do giá xăng dầu tăng đã tạo áp lực lên các dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ khiến các doanh nghiệp vận tải đều đang phải tính toán để tăng giá cước.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc tăng giá có phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào hay không, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong các yếu tố hình thành giá. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá của các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, thu cao hơn mức giá niêm yết.