A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảng biển Việt Nam ngày càng hoàn thiện, đón nhiều tàu lớn

Những năm gần đây, đội tàu trên thế giới có xu hướng tăng mạnh về cỡ trọng tải để tăng năng suất, giảm thiểu chi phí vận tải biển. Do đó, các cảng biển Việt Nam cũng được tăng cường về kết cấu hạ tầng, bảo đảm đón các tàu trọng tải lớn.

Một góc cảng Cái mép - Thị Vải. (Nguồn: Cục HHVN)

Một góc cảng Cái mép - Thị Vải. (Nguồn: Cục HHVN)

Theo Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN), thống kê cho thấy, 5 năm qua, số lượng tàu có trọng tải lớn ra vào cảng biển Việt Nam ngày càng tăng. Năm 2019, số lượng tàu trọng tải lớn ra vào cảng biển khoảng hơn 4.500 lượt thì tới năm 2023, con số này là gần 5.500 lượt.

“Từ những năm 2000, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam chỉ định hướng phát triển cỡ trọng tải tàu đến 30.000 DWT. Nhưng thực tế, nhiều cảng biển nước ta nay đã đón được những tàu trọng tải lớn hơn mức này”, lãnh đạo Cục HHVN nói và cho biết, các cảng biển nước ta hiện nay có ở dọc khắp cả nước, trong đó có những cảng biển lớn, được đầu tư bài bản, ngày càng được hoàn thiện về kết cấu hạ tầng.

Cũng theo Cục HHVN, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đội tàu trên thế giới có xu hướng tăng mạnh về cỡ trọng tải để tăng năng suất, giảm thiểu chi phí vận tải biển. Nắm bắt xu hướng này, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp cảng triển khai việc đánh giá kết cấu hạ tầng cầu, bến cảng có nhu cầu tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn hơn thiết kế.

“Sau khi được đầu tư nâng cấp và được đánh giá các yếu tố kỹ thuật, nhiều cảng biển nước ta có thể đón các tàu lớn hơn so với thiết kế ban đầu của cảng”, lãnh đạo Cục HHVN nói và cho biết, việc này đã được quy định cụ thể.

Theo đó, các tàu trọng tải đến 10.000 DWT/GT được áp dụng hệ số vượt tải khoảng 60%. Tàu có trọng tải đến 20.000 DWT/GT được áp dụng hệ số vượt tải 40%. Tàu có trọng tải đến 30.000 DWT/GT được áp dụng hệ số vượt tải 25% và tàu có trọng tải từ 40.000 DWT/GT trở lên, áp dụng thêm hệ số vượt tải 10%.

Các cảng vụ hàng hải sẽ tổ chức áp dụng, đồng thời phối hợp với hoa tiêu hàng hải xem xét, đánh giá điều kiện tự nhiên tại thời điểm tàu dự kiến đến cảng; Kết hợp với các biện pháp bảo đảm an toàn tăng cường như tàu lai hỗ trợ và kiểm tra lượng giãn nước của tàu, chiều dài tàu (phù hợp với chiều dài cầu cảng)… để xem xét, quyết định việc điều động tàu thuyền trọng tải lớn vào, rời bến cảng.

Theo lãnh đạo Cục HHVN, quy định trên nhằm tận dụng khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng bến cảng, luồng tàu đã được xây dựng và để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cảng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nâng cao năng suất hàng hóa thông qua cảng, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. “Kết quả thực hiện thời gian qua cho thấy, hoạt động tiếp nhận tàu có trọng tải lớn hơn thiết kế vào khai thác tại các cảng đã phát huy hiệu quả”, Cục HHVN đánh giá.

Hiện nay, tại khu vực cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu có hoạt động tàu biển được đánh giá sôi động nhất nước ta. Cụ thể, có 33 tuyến quốc tế (gồm 9 tuyến chạy Nội Á, 3 tuyến chạy châu Âu, 10 tuyến đi bờ Đông châu Mỹ, 9 tuyến đi bờ Tây châu Mỹ và 2 tuyến chạy Mỹ - Canada) cùng 9 tuyến nội địa.

Đặc biệt, các cỡ tàu container đến cảng có xu hướng tăng dần về kích thước tàu và trọng tải. Cục HHVN cho biết, chỉ trong vòng 10 năm, số lượng tàu trọng tải lớn ra vào cảng biển Vũng Tàu đã tăng gấp 6 lần. Từ hơn 300 lượt vào năm 2013, tới năm 2023 là hơn 2.100 lượt.

Tại khu vực cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đang tổ chức đón tàu trọng tải lớn, chủ yếu là tàu container có trọng tải từ trên 80.000 DWT đến hơn 232.000 DWT. Tính đến tháng 5/2024, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tổ chức tiếp nhận thành công 25 chuyến tàu siêu lớn vào, rời cảng an toàn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan