A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu nông lâm thủy sản: Định vị thương hiệu để giá trị tăng trưởng bền vững

Trong 5 tháng, kim ngach và giá trị xuất khẩu một số mặt hàng nông lâm thủy sản tăng cao. Tuy nhiên, để tăng trưởng bền vững cần định vị thương hiệu chuẩn cho sản phẩm.

Giá nhiều mặt hàng nông sản tăng mạnh 2 con số

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 5/2024 đạt 5,06 tỷ USD, tăng 11,2% so với T5/2023; trong đó, nông sản chính 2,73 tỷ USD (tăng 14,3%), lâm sản 1,35 tỷ USD (tăng 17,9%), chăn nuôi 45,8 triệu USD (tăng 10,2%). Riêng thủy sản 780 triệu USD (giảm 3,5%) và đầu vào sản xuất 153 triệu USD (giảm 6,9%).

Theo đánh giá của các chuyên gia, từ đầu năm đến nay, do nhu cầu thị trường phục hồi, thêm vào đó các doanh nghiệp tận dụng tốt ưu đãi từ các FTA nên kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản tăng trưởng cao.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, nhiều thị trường xuất khẩunông lâm thủy sản chủ đạo của Việt Nam đang dần tăng trưởng trở lại như Trung Quốc, Nhật Bản, khu vực châu Á, Hoa Kỳ...

Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân nhiều mặt hàng tăng mạnh. Các yếu tố thuận lợi đó góp phần đưa ổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm nay vượt con số 24, tỷ USD, tăng mạnh 21% so cùng kỳ trước. Trong đó, nông sản đạt 13,11 tỷ USD, tăng 27,7%; lâm sản 6,58 tỷ USD, tăng 22,7%; thủy sản 3,5 tỷ USD, tăng 3,6%; chăn nuôi 199 triệu USD, tăng 5,6%...

Thống kê củaBộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong 5 tháng hầu hết các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực đều đạt con số xuất khẩu tăng cao hơn cùng kỳ năm trước. Đơn cử như gỗ và sản phẩm gỗ 6,14 tỷ USD (tăng 23,6%); Gạo 2,65 tỷ USD (tăng 38,2% với lượng 4,15 triệu tấn, tăng 14,7%); Điều 1,55 tỷ USD (tăng 19,3% với lượng 288 nghìn tấn, tăng 30,6%); Rau quả 2,59 tỷ USD (tăng 28,1%)...

Xuất khẩu nông lâm thủy sản: Định vị thương hiệu để giá trị tăng trưởng bền vững - Ảnh 2.

Giá nhiều mặt hàng nông sản tăng mạnh 2 con số.

Thống kê về giá cả, thông tin từBộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn giá xuất khẩu bình quân 5 tháng của nhiều mặt hàng tăng rất mạnh. Điển hình giá gạo 638 USD/tấn, tăng 20,5%; giá cà phê 3.482 USD/ tấn, tăng 49,9%, hạt tiêu 4.308 USD/ tấn, tăng 39,3%...

Cần định vị thương hiệu để nâng cao giá trị kinh tế

Có thể thấy, một số nông sản chủ lực đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, như gạo, cà phê, hồ tiêu, các loại thủy sản,...Tuy nhiên cũng cần thẳng thắn thừa nhận, xuất khẩu nông lâm thủy sản chưa đem lại giá trị, lợi nhuận tương xứng với vị thế, tiềm năng do còn nhiều hạn chế về định vị thương hiệu. Hiện tại, có đến hơn 70% sản lượng xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, sau nhiều năm hội nhập và tham gia nhiều FTA, xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro khi nội lực của ngành còn yếu vì quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị chưa cao, chất lượng hàng hóa chưa đồng đều, sản phẩm không có thương hiệu, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, chủ yếu là công đoạn sản xuất, giá trị gia tăng thấp...Đến nay, dù đã có những bước tiến nhất định, song xây dựng thương hiệu vùng, địa phương gắn liền với các dấu hiệu chỉ dẫn địa lý như địa danh được bảo hộ sở hữu trí tuệ còn nhiều hạn chế.

Thực tế cho thấy, bản thân doanh nghiệp thu mua nông sản tại các địa phương còn chưa mặn mà trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, nguyên nhân là do hạn chế về tiềm lực tài chính, vì đa số các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, không đầu tư cho việc đăng ký bảo hộ thương hiệu và phát triển thương hiệu. Hơn nữa, các doanh nghiệp còn yếu về nhận thức luật pháp, phong cách kinh doanh mang đậm nét truyền thống nông nghiệp, sợ rủi ro, chỉ quan tâm lợi nhuận trước mắt mà chưa thấy mục tiêu lâu dài.

Nhiều chuyên gia nhận định để xuất khẩu đạt giá trị cao, nước ta cần khắc phục các điểm yếu nêu trên, nhanh chóng tổ chức sản xuất và quy trình thương mại theo tiêu chuẩn quốc tế, và xây dựng, định vị được thương hiệu bền vững.

theo các chuyên gia, Nhà nước cần tăng cường định hướng doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu trong nước cũng như quốc tế thông qua việc ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

Song song với đó cần tăng cường vai trò của hiệp hội ngành nghề để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và các hộ nông dân sản xuất - kinh doanh nông sản xuất khẩu, nhằm xây dựng thương hiệu nông sản xuất khẩu Việt Nam uy tín trên thị trường thế giới. Đồng thời, cần có những giải pháp hướng dẫn và hỗ trợ hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong việc bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Theo ồng Hải, trong thời gian tới, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả cung và cầu hàng nông sản, vật tư; các cuộc xung đột quân sự gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt... làm đứt gãy chuỗi cung ứng và tăng chi phí vận chuyển. Nhiều quốc gia thực thi chính sách bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước; đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung, ứng phó với tác động tiêu cực của El Nino, La Nina. Đây là khó khăn rất lớn cho xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta.

Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến bất thường, xâm nhập mặn tại các tỉnh Nam bộ, đặc biệt là ĐBSCL, nguy cơ cháy rừng tăng cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.

Do đó, doanh nghiệp cần có chiến lược linh hoạt để đối phó. Trong đó, chú ý "chăm sóc" tốt một số thị trường "ruột" như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU. Đồng thời, tận dụng các FTA, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực.

"Bộ Công thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới và phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng. Ngoài ra, tổ chức các hoạt động phổ biến thông tin, quy định thị trường và hỗ trợ kết nối tiêu thụ thông qua hệ thống tham tán thương mại, nông nghiệp tại các thị trường, các chuỗi phân phối bán lẻ trong nước, các sàn thương mại điện tử…", ông Hải nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan