Chuyên gia đưa ra dự báo sốc, giá vàng có thể chạm đỉnh 3.500 USD
Giá vàng thế giới tăng ở thời điểm hiện tại gợi nhắc tới những diễn biến của thị trường vàng năm 1980 và khả năng giá vàng sớm chạm đỉnh 3.500 USD/ounce.
Dự báo giá vàng đạt đỉnh thực sự vào năm 2026. Ảnh: Xinhua
Vàng hiện tăng giá lên mức cao nhất mọi thời đại, tương tự như lần gần nhất vào năm 1980, khi bất ổn chính trị và kinh tế là động lực chính khiến giá vàng lập kỷ lục.
Đợt tăng giá vàng lên trên 3.000 USD/ounce có động lực thúc đẩy gần nhất là đợt áp thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump với các đối tác thương mại.
Tuần trước, giá vàng giao ngay đã lập kỷ lục mới, đạt 3.167,57 USD/ounce. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng 16%, sau khi tăng 27% trong năm 2024. Dù giá vàng có thể biến động lên xuống, các chuyên gia cho rằng đợt tăng lần này - khi vàng bước vào vùng giá chưa từng có - có khả năng sẽ còn kéo dài lâu hơn và vững vàng hơn so với đợt tăng mạnh cách đây 45 năm.
Các nhà phân tích chỉ ra, lập trường của Tổng thống Donald Trump về thuế, bao gồm thông báo ngày 2.4 về rào cản thương mại lớn nhất của Washington trong hơn 100 năm đã thúc đẩy các nhà đầu tư mới đổ xô vào vàng, do lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện.
Chuyên gia Steel của HSBC chỉ ra, căn nguyên thúc đẩy giá vàng thế giới 45 năm trước - đáng chú ý nhất là Cách mạng Iran và cuộc khủng hoảng dầu mỏ - đã được khắc phục tương đối nhanh chóng, khiến giá vàng giảm.
“Nhưng sự đổ vỡ trong hợp tác quốc tế những năm gần đây đã khiến giá vàng neo cao một cách dai dẳng. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi phải chăng có một yếu tố địa chính trị lớn hơn đang chi phối thị trường" - ông nói.
Căng thẳng thương mại chỉ là yếu tố mới nhất trong chuỗi các yếu tố đẩy giá vàng thế giới tăng cao: Đại dịch COVID-19 kéo dài 2 năm, tiếp theo là xung đột Nga - Ukraina nổ ra năm 2022, cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản Trung Quốc và cuộc xung đột ở Gaza.
Xung đột ở Ukraina dẫn tới phương Tây đóng băng một nửa dự trữ ngoại tệ của Nga, chỉ giữ được vàng. Do đó, các ngân hàng trung ương ngoài phương Tây chuyển sang mua vàng khi tìm cách đa dạng hóa dự trữ ngoại hối khỏi đồng USD.
Nới lỏng chính sách tiền tệ và lo ngại về thâm hụt ngân sách cũng thúc đẩy phương Tây đầu tư nhiều hơn vào vàng trong năm ngoái.
Đề cập đến căng thẳng thương mại leo thang, George Griffiths - trưởng bộ phận giao dịch tại công ty môi giới AMT Futures - cho biết: "Những cuộc khủng hoảng gần đây từng thúc đẩy các phản ứng phối hợp trên toàn cầu nhưng lần này gần như không có hy vọng nào về đồng thuận chính sách".
Giá vàng thế giới liên tiếp lập kỷ lục trong năm nay nhưng vẫn còn một cột mốc khác, theo nhà phân tích Rhona O'Connell của StoneX. Theo đó, giá vàng đạt đỉnh ở mức 850 USD vào tháng 1.1980, tương đương với 3.486 USD ngày nay nếu tính theo giá USD.
“Dù giá vàng hiện đã đạt mức cao kỷ lục mới nếu xét theo danh nghĩa, nhưng có thể lập luận rằng chúng ta vẫn chưa chạm đỉnh nếu tính theo giá trị thực" - ông Steel nhận định, nhắc đến kỷ lục giá vàng của những năm 1980.
Các chuyên gia cũng cho rằng, những diễn biến hiện tại đang củng cố dự báo về một đợt tăng giá vàng kéo dài, và mốc đỉnh thực sự của giá vàng sẽ rơi vào năm 2026, chứ không phải năm nay.
Ngày 26.3, chiến lược gia hàng hóa của BofA Michael Widmer đã nâng dự báo giá vàng từ mức 2.750 USD và 2.625 USD cho năm 2025 và 2026 lên lần lượt là 3.063 USD và 3.350 USD. Ông hiện dự đoán giá vàng giao ngay sẽ chạm mốc 3.500 USD trong vòng 2 năm.