A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ hội giao thương, đầu tư Việt Nam - Séc còn rất lớn

Mặc dù hợp tác thương mại và đầu tư của Việt Nam với Cộng hòa Séc hiện còn khiêm tốn so với các đối tác song phương khác, tuy nhiên cơ hội lại mở rộng khi hai nước đang có nhiều điều kiện để phát huy thế mạnh của mình do hai nền kinh tế có tính bổ trợ cho nhau.

Chưa khai thác hết tiềm năng

Theo Bộ Công Thương, năm 2022, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Cộng hòa Séc chỉ đạt hơn 828 triệu USD, nhưng tăng trưởng 12,65% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Séc đạt hơn 668 triệu USD, tăng 14,58%; nhập khẩu từ Séc vào Việt Nam đạt 160 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện nay, Cộng hòa Séc có 41 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 92,39 triệu USD, đứng thứ 49/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Các dự án của Séc tại Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực khai khoáng, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ, kinh doanh bất động sản với quy mô vừa và nhỏ.

co hoi giao thuong dau tu viet nam sec con rat lon

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Séc

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng thừa nhận quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc cho đến nay vẫn còn khiêm tốn, chưa đúng với tiềm năng. Hiện kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước chiếm tỷ trọng nhỏ trong kim ngạch ngoại thương của Việt Nam cũng như của Cộng hòa Séc.

Trên thực tế, dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc còn rất lớn. Hiện các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Cộng hòa Séc chủ yếu là các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như may mặc, giày dép, thủy sản... Việt Nam nhập khẩu từ Séc máy móc thiết bị, sản phẩm cơ khí, hóa chất, dược phẩm, đồ thủy tinh pha lê... Trong khi đó, Việt Nam và Cộng hòa Séc là hai nền kinh tế có tính bổ trợ cho nhau.

Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, thuỷ hải sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, công nghiệp điện tử và hàng tiêu dùng. Việt Nam là quốc gia có thị trường nội địa lớn, với gần 100 triệu dân, dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa, số lượng tầng lớp trung lưu, thu nhập và sức mua hàng hóa đang tăng nhanh, tiêu dùng nội địa thường xuyên tăng trưởng hai con số.

Trong khi đó, Cộng hòa Séc là nước có nền công nghiệp phát triển, có nhiều sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng thế giới về cơ khí, máy móc, xe ô tô, xe tải, thiết bị quốc phòng và nhiều sản phẩm tiêu dùng có chất lượng mà Việt Nam có nhu cầu lớn. Vì vậy, hai bên cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại để kết nối giao thương hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Cơ hội rộng mở

Chia sẻ về lợi thế khi hợp tác đầu tư và thương mại với Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam có quan hệ ngoại giao, chính trị, kinh tế với trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đồng thời tham gia tích cực vào nhiều diễn đàn và tổ chức kinh tế quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM). Đồng thời, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, đang đàm phán 2 FTA khác. Đặc biệt trong đó có những hiệp định thương mại tự do đa phương lớn như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Nền kinh tế Việt Nam hiện hội nhập sâu với 55 nền kinh tế, hơn 90% dòng thuế sẽ có lộ trình cắt giảm về 0%, đây được xem là lợi thế lớn cho các nhà đầu tư khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Cơ hội rộng mở trên cũng được phía Séc đánh giá cao. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Cộng hòa Séc Jozef Síkela, Việt Nam là thị trường phát triển nhanh và ổn định hàng đầu châu Á, là đối tác thương mại quan trọng ở Đông Nam Á, là đối tác chiến lược để phát triển quan hệ thương mại. Hiện quan hệ thương mại cũng đã tăng lên nhờ các quy định giao thương, xuất nhập khẩu đã được đơn giản hóa nhờ EVFTA, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường của nhau nhờ cắt giảm thuế quan, loại bỏ nhiều hàng rào kỹ thuật...

“Các doanh nghiệp Cộng hòa Séc rất mong muốn tiếp cận thị trường Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như quốc phòng, năng lượng, dịch vụ tài chính... Cộng hòa Séc cũng mong muốn hai nước cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và đầu tư”, ông Jozef Síkela chia sẻ.

Về triển vọng hợp tác đầu tư và thương mại Việt - Séc, theo ông Nguyễn Hồng Diên, thông qua hợp tác đầu tư, Cộng hòa Séc sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí, chế biến chế tạo, vật liệu mới. Đặc biệt trong thời gian tới, cần đẩy mạnh quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước thông qua Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Cộng hòa Séc về hợp tác kinh tế, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan