A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 8.9: Ma trận kiếm tiền trong thị trường xăng dầu

Thị trường xăng dầu với nhiều khía cạnh đã và đang được các cơ quan báo chí phản ánh trong ngày hôm nay 8.9.

Trong đó, báo Tiền phong đã đăng tải bài viết “Ma trận kiếm tiền trong thị trường xăng, dầu”. Theo tác giả bài báo, đại diện một số doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn và chuyên gia trong ngành cho rằng, họ cũng không hiểu được ma trận kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp được cấp phép từ cuối năm 2018 đến nay. Theo tiết lộ của các doanh nghiệp, họ có rất nhiều hình thức kiếm được tiền. Trong đó phổ biến nhất là việc doanh nghiệp đã “chạy” để có giấy phép kinh doanh, cho các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối hay đại lý chưa đủ điều kiện cấp phép thuê lại kho, bồn chứa để đáp ứng các điều kiện về kinh doanh.

Cùng với đó, có việc doanh nghiệp ký hợp đồng mua bán xăng dầu số lượng lớn để vay vốn ngân hàng rồi tận dụng lấy vốn đầu tư sang lĩnh vực khác. Còn với những doanh nghiệp đi theo con đường làm xăng giả, tham gia các đường buôn lậu thì lợi nhuận hằng năm của họ lên tới nghìn tỷ là hết sức bình thường.

Theo một chuyên gia ngành xăng dầu, trong số 7 doanh nghiệp đầu mối vừa bị tước giấy phép, có tới 5 doanh nghiệp đang không có website. Riêng Công ty Cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm còn từng bị tước giấy phép kinh doanh do liên quan đến đường dây làm xăng dầu giả 2,7 triệu lít bị triệt phá năm 2021. “Giờ sau thanh tra chuyên ngành, doanh nghiệp này lại bị thu hồi giấy phép. Vì sao Bộ Công Thương không tước giấy phép vĩnh viễn với các doanh nghiệp đã có vi phạm lặp đi lặp lại này? Phải chăng có sự bao che”, vị này đặt câu hỏi.

“Với một doanh nghiệp đầu mối sở hữu 10 cửa hàng và 40 đại lý để đủ điều kiện để được cấp phép kinh doanh xăng dầu, họ phải nhập tối thiểu hơn 25.000m3/tấn/năm mới đủ nguồn thu để hoạt động. Năm 2019, 2020, nhiều đơn vị nhập rất ít xăng dầu. Vậy không hiểu họ sống bằng gì?”, một chuyên gia trong ngành đặt câu hỏi.

Phản ánh ý kiến của lãnh đạo Công ty CP Dầu khí Đông Phương - doanh nghiệp đầu mối vừa bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu qua bài viết “Thị trường xăng dầu "lên đồng", luẩn quẩn, rối loạn như "mớ bòng bong"”, báo Lao động nêu: Việc ra quyết định tước giấy phép kinh doanh xăng dầu của đoàn thanh tra "không thuyết phục". Cũng theo doanh nghiệp này, việc thu hồi giấy phép xuất nhập khẩu, hệ thống phân phối của công ty sẽ bị hụt nguồn cung khoảng 20.000m3 xăng dầu các loại; bị phạt hợp đồng đối với các lô hàng nguyên liệu dự kiến giao trong tháng 9 với số lượng 30,000 mts dầu DO có nguồn gốc từ Hàn Quốc.

Một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác cũng cho biết, căn cứ quyết định xử phạt mà thanh tra Bộ Công Thương đưa ra chưa thực sự thuyết phục. Lý do, việc cơ quan thanh tra đưa ra hình phạt bổ sung bằng việc tước giấy phép là hình thức xử phạt rất nặng, chồng chéo từ những quy định về kinh doanh xăng dầu ở hai Nghị định 83 và Nghị định 95.

Theo tác giả bài viết, thị trường xăng dầu như "mớ bòng bong" từ cơ chế điều hành, vận hành thị trường cho đến các quy định ngày càng bộc lộ sự chưa theo kịp với thực tiễn. Vì vậy, cần thiết phải có một cuộc thanh lọc trong quản lý ngành xăng dầu, để đánh giá xem xét lại các quy định và cơ chế quản lý để thẳng thắn nhận diện bất cập, mới có thể giúp thị trường lành mạnh hơn.

Báo Sài Gòn Giải phóng online cũng đăng tải bài viết “Rối điều hành, tiền lệ xấu”. Tác giả bài báo phân tích: Trước kỳ điều hành ngày 5-9, thị trường đã từng nháo nhác khi các đầu mối, thương nhân phân phối không giao đủ hàng cho doanh nghiệp bán lẻ, trong khi nguồn cung từ thế giới dồi dào, giá cũng đã giảm. Liệu có dấu hiệu doanh nghiệp đầu mối tạo khan hiếm ảo để lũng đoạn thị trường?

Đến khi giá xăng dầu được điều chỉnh, tưởng rằng thị trường trong nước sẽ ổn định, nhưng lại căng thẳng thêm bởi Bộ Công Thương thông báo tước giấy phép của 5 doanh nghiệp đầu mối có thị phần rất lớn ở địa bàn phía Nam, khiến hơn 1.000 đại lý bán lẻ có nguy cơ đóng cửa. Biện pháp tước giấy phép trong thời điểm này là chưa linh hoạt. Bởi vô hình trung, việc này có thể khiến thị trường thiếu hụt xăng dầu thật sự, hoặc tạo cơ hội cho một vài đầu mối lớn thao túng, lũng đoạn giá xăng dầu.

Theo nhiều chuyên gia, đáng lo ngại nhất hiện nay không còn là ở hệ thống bán lẻ, mà chính là các đầu mối, cùng với cách quản lý, điều hành kém, thiếu linh hoạt của cơ quan chức năng, từ việc cấp phép nhập khẩu, các tiêu chí về hệ thống, đến lịch điều chỉnh giá xăng dầu, mức trích lập và chi sử dụng, cách vận hành quỹ bình ổn giá…

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng, nếu không trị tận gốc rễ, giải quyết bản chất vấn đề thì tình trạng hiện nay là tiền lệ xấu, sẽ còn tái diễn trong thời gian tới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan