A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đầu tư công và 21 điểm nghẽn

Đầu tư công vẫn tiếp tục xuất hiện các điểm nghẽn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra 21 loại tồn tại, khó khăn vướng mắc.

Theo các báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) từ đầu năm đến ngày 31/7/2022 là 186.848,16 tỷ đồng, đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Kế hoạch và Dầu tư cho rằng, dù giải ngân không bằng cùng kỳ năm trước nhưng cũng phản ánh xu hướng, đặc thù giải ngân vốn đầu tư công. Đó là những tháng đầu năm chậm, tăng tốc vào cuối năm. Nhưng qua 7 tháng, giải ngân mới hơn một phần ba kế hoạch thì đầu tư công vẫn còn tồn tại nhiều điểm nghẽn.

Vướng mắc nhỏ cũng ảnh hưởng tiến độ tổng thể

Đáng chú ý, báo cáo của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Chính phủ cho thấy, đến hết tháng 7, vẫn có 17 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn là 0%. Vẫn còn 16 bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương (NSTW) năm 2022 và 8 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP).

Phản ánh về tiến độ chậm, bộ và địa phương cho biết nguyên nhân là theo quy định, từ khi hình thành dự án đến khi có thể giải ngân được vốn, tổ chức thi công trải qua nhiều giai đoạn, tương ứng với từng giai đoạn thì quy trình, trình tự, thủ tục chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật. Mỗi một giai đoạn có những vướng mắc khác nhau, trong khi đó, mọi việc phải được thực hiện tuần tự theo quy định của pháp luật, tuân thủ thời gian, nên dù có vướng mắc nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng tới tiến độ tổng thể của dự án.

Nói về đầu tư công những tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Qua làm việc với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có khoảng 21 loại tồn tại, khó khăn vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có phân thành 3 nhóm chính: nhóm về thể chế chính sách (trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, ngân sách nhà nước và công sản, xây dựng, đấu thầu và đầu tư công), nhóm khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện và nhóm những khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022.

Nói về nhóm khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, năm 2022 là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (thực chất là năm đầu tiên triển khai do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021). 2022 cũng là năm các bộ, địa phương bắt đầu khởi công mới nhiều dự án. Dự án mới thường thường cần từ 6 đến 8 tháng hoàn tất thủ tục nên tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm 2022 tăng cao, có tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng.... Một số nơi chưa cập nhật kịp thời, sát giá thị trường. Chủ đầu tư có tâm lý chọn biện pháp an toàn khi lựa chọn thực hiện ký hợp đồng trọn gói. Với những hợp đồng thầu trọn gói, khi có biến động giá thì nhà thầu sẽ phải gánh chịu. Vì thế khi giá đầu vào lên cao, nhiều nhà thầu ký hợp đồng trọn gói thi công cầm chừng, chờ chính sách điều chỉnh giá hợp đồng và giá vật liệu xây dựng. Tâm lý này cũng làm cho tiến độ dự án chậm lại.

Luật chưa thống nhất, gây lúng túng cho các bộ, địa phương

Đầu tư công cũng gặp hàng loạt những vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách và thủ tục hành chính. Trong đó, một số quy định về đất đai chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, như quy định về giá đất và có sự chênh lệch giữa giá đất Nhà nước thu hồi với giá đất do nhà đầu tư đền bù. Quy định về xác định phân loại đất, nguyên tắc sử dụng đất giữa các Luật không thống nhất...

Bên cạnh đó, các quy định về trường hợp chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, chưa giải quyết được trong một số trường hợp cấp bách. Ví dụ như trong các chương trình phòng, chống dịch bệnh, xây dựng các công trình có quy mô lớn cần đẩy nhanh tiến độ. Vướng mắc nữa là quy định về vốn nhà nước tại các Luật chưa thống nhất, gây lúng túng cho các bộ, địa phương trong việc áp dụng trình tự, thủ tục đối với từng dự án.

Trong việc triển khai thực hiện thì công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện. Chất lượng chuẩn bị dự án thấp, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt. Các cấp, các ngành và người đứng đầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án đã và đang triển khai…

“Hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2022 là một nhiệm vụ khó”, theo Thứ trưởng Phương. Vì bên cạnh nhiệm vụ giải ngân số vốn đầu tư công theo kế hoạch năm đã được Quốc hội quyết nghị còn một lượng vốn bổ sung từ nguồn vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó lượng vốn giải ngân năm 2022 lên tới 542 nghìn tỷ đồng, nhiều hơn năm 2021 khoảng 110 nghìn tỷ đồng và gấp hơn 2,5 lần năm 2016.

Để hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2022, thì các Bộ trưởng và lãnh đạo các tỉnh, thành phố phải xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải coi giải ngân vốn đầu tư công là công việc trọng tâm, nếu như không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công thì phải kiểm điểm người đứng đầu, đồng thời thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn. Làm được như thế, đồng thời sau những đợt kiểm tra, đôn đốc, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã bước đầu khắc phục được một số vướng mắc, hạn chế để tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng dự kiến “sẽ đạt tiến độ đặt ra vào cuối năm”.

"Tiền để đấy không tiêu được thì rất xót ruột và sốt ruột"

Để thực hiện được nhiệm vụ khó này, Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị nhiều giải pháp. Trước hết là tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách. Trong đó đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu sửa tổng thể các Luật có liên quan đến thực hiện dự án đầu tư công (một Luật sửa nhiều Luật). Sớm sửa đổi và ban hành các quy định tại các Luật liên quan đến đầu tư công như Luật đất đai (như thống kê, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, giá đất, giá đền bù, thu hồi…); Luật NSNN (về phân cấp nhiệm vụ chi); Luật Xây dựng (về cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định BCNCKT, TKCS…); Luật Khoáng sản (về làm rõ khái niệm “khoáng sản” tài nguyên đất hay đất đồi, đất san lấp không phải là khoáng sản)… Bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi.

Đồng thời ban hành quy định về các hành động trước được phép thực hiện đối với dự án đầu tư công, nhất là công tác chuẩn bị đầu tư (bố trí kinh phí nghiên cứu, trong trường hợp dự án không khả thi thì được phép hạch toán chi phí hợp lệ), công tác giải phóng mặt bằng (coi là dự án độc lập, được thực hiện đầy đủ, toàn bộ các hoạt động ngay sau khi chủ trương đầu tư được duyệt)…

Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Xây dựng đơn giản hóa và phân cấp hơn nữa quy định liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng công trình theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho địa phương trong công tác kiểm tra, nghiệm thu, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhóm A, B trên địa bàn, dự án thực hiện trên địa bàn 2 địa phương trở lên...   

Về phần mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai dự án đầu tư công, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động, thực sự vào cuộc xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư; Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, từ sớm, từ xa, hạn chế tối đa việc thay đổi, điều chỉnh dự án; Để các dự án thực hiện thuận lợi, các địa phương cần hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện và công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo tháng phù hợp với diễn biến thị trường...  

Trong phiên họp thường kỳ tháng 7, Chính phủ đã dành buổi họp chiều ngày 3/8, để nghe báo cáo và thảo luận về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính tỏ ra không hài lòng vì Chính phủ đã có nhiều giải pháp thúc đẩy nhưng tình hình vẫn chưa chuyển biến mạnh, giải ngân chậm. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, tình trạng "tiền để đấy không tiêu được thì  rất xót ruột và sốt ruột", Thủ tướng nói. Để tạo sự chuyển biến thực sự trong đầu tư công, tại buổi họp, Chính phủ quyết định sẽ ban hành Nghị quyết về vấn đề này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật