A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng euro được quan tâm trở lại

Từng chịu ảnh hưởng của khủng hoảng và lạm phát, nhưng đồng euro hiện được các ngân hàng trung ương ưu ái nhờ lãi suất dương trở lại và các căng thẳng địa chính trị đang ảnh hưởng tới sức hấp dẫn của đồng USD - theo Reuters.

Đồng euro được quan tâm trở lại

Biểu tượng của đồng euro. Ảnh: Xinhua

Báo cáo năm 2023 của Diễn đàn các thể chế tài chính và tiền tệ chính thức (OMFIF) có trụ sở tại London, Vương quốc Anh nhận thấy, khoảng 1/5 trong số 75 ngân hàng được tổ chức này khảo sát dự kiến tăng lượng dự trữ đồng euro trong 2 năm tới. Trong khi đó, 7% ngân hàng được khảo sát muốn giảm tỉ lệ dự trữ đồng euro.

Theo khảo sát này, trong 2 năm tới, nhu cầu ròng về đồng euro vẫn cao hơn bất kỳ loại tiền tệ nào khác và tăng vọt so với cuộc khảo sát năm 2021 và 2022 với các ngân hàng trung ương kiểm soát dự trữ gần 5.000 tỉ USD.

Tuy nhiên, thay đổi này cần nhiều năm mới rõ nét, Reuters lưu ý. Đồng USD chiếm 60% trong khi đồng euro chiếm 20% dự trữ toàn cầu. Do đó, vương vị của đồng USD sẽ không bị đoạt ngay. Dù vậy, triển vọng tích cực hơn của đồng euro cho thấy đang có những thay đổi đáng chú ý.

Đầu tiên, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từ bỏ chính sách lãi suất âm vào năm 2022 khiến lãi suất trái phiếu chính phủ khu vực đồng euro cao hơn sau gần một thập kỷ ở mức dưới 0%. Lãi suất trái phiếu chính phủ khu vực đồng euro vẫn ở mức cao ngay cả khi khả năng hạ lãi suất đang đến gần. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Đức đã ở trên mức 1,9% kể từ cuối năm 2022.

"Giờ đây khi đồng euro đã sinh lời, các nhà quản lý dự trữ của các ngân hàng trung ương đang tìm cách tăng phân bổ tiền tệ sang đồng euro và tránh xa đồng USD" - bà Taylor Pearce - nhà kinh tế cấp cao của OMFIF - cho biết.

Ngân hàng Trung ương Ba Lan - nơi có dự trữ chủ yếu bằng đồng USD và đồng euro - không tiết lộ về chính sách dự trữ nhưng cho hay, lợi suất dự đoán trong trung hạn của các trái phiếu chính phủ ở khu vực đồng euro đã được cải thiện đáng kể, qua đó chắc chắn làm tăng sức hấp dẫn của trái phiếu chính phủ khu vực đồng euro. Trong khi đó, Romania có kế hoạch duy trì tỉ trọng mục tiêu của đồng euro trong dự trữ của nước này ở mức 40-75%, tăng so với tỉ trọng khoảng 59% hiện nay.

Cú sốc năng lượng và chiến sự ở châu Âu đang gây tổn hại cho đồng euro trong khi cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc và tác động của chiến sự Nga - Ukraina đã kích hoạt cuộc thảo luận về phi USD hóa. Một số loại tiền tệ, bao gồm cả đồng euro, có thể được hưởng lợi từ việc phi USD hóa.

Khảo sát của OMFIF cho thấy, 13% ngân hàng trung ương được hỏi có kế hoạch dự trữ thêm nhiều đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong 2 năm tới. Stephen Jen - Giám đốc điều hành Eurizon SLJ Capital - cho biết, việc thay đổi cán cân phân bổ từ USD sang euro có nhiều ý nghĩa.

Dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, tỉ trọng của đồng USD trong tổng dự trữ ngoại hối đã giảm từ mức khoảng 72% vào năm 2000 xuống 59% vào năm 2023. Trong khi đó, tỉ trọng của đồng nhân dân tệ đã tăng lên.

Sự quan tâm của nước ngoài với trái phiếu của châu Âu cũng đang tăng lên.

Ông Kalin Anev Janse - quan chức cấp cao của Cơ chế bình ổn châu Âu - cho biết, dấu hiệu tích cực là ngoài các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á, một số nhà đầu tư nhỏ hơn cũng đã bắt đầu mua vào. Theo đánh giá của các nhà đầu tư và giới chuyên gia, sự đoàn kết và thống nhất của châu Âu trong đại dịch COVID-19 và khi xung đột nổ ra ở Ukraina cũng được xem là yếu tố có tác động tích cực đến triển vọng của đồng euro.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan