Dự báo trọng tâm kinh tế châu Á năm 2024
Bước sang năm 2024, giới đầu tư châu Á chú ý tới những nỗ lực của Trung Quốc nhằm vực dậy nền kinh tế đang giảm tốc, khả năng cắt giảm lãi suất trong khu vực và thị trường chứng khoán Nhật Bản tiếp tục hồi phục.
Trong báo cáo triển vọng thị trường năm 2024, công ty tài chính Nomura dự báo châu Á sẽ bước vào một giai đoạn “ngon lành” đầu năm tới, với mức tăng trưởng vượt trội nhờ vào sự phục hồi của ngành sản xuất chip bán dẫn.
Trong một báo cáo nghiên cứu công bố tháng 12, Goldman Sachs nói rằng các nước châu Á dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ ít nhất tới tháng 3/2024, sau đó Indonesia và Đài Loan (Trung Quốc) sẽ hạ lãi suất trong quý II.
Đây là những gì đang chờ đợi thị trường châu Á trong năm 2024 được Nikkei Asia tổng hợp:
Thị trường chứng khoán Nhật Bản tiếp tục phục hồi
Năm ngoái, thị trường chứng khoán Nhật Bản bùng nổ trở lại với chỉ số Nikkei Stock Average tăng lên mức cao nhất mới trong 33 năm. Năm nay, đà tăng dự kiến sẽ tiếp tục nhờ lạm phát vừa phải, tăng tiền lương, dòng vốn nước ngoài ổn định, lợi nhuận doanh nghiệp mạnh mẽ và cải cách quản trị.
Các nhà phân tích đang chờ đợi cuộc đàm phán lương mùa xuân thường niên, vì mức lương cao hơn sẽ cho phép các công ty tăng giá, dẫn đến lợi nhuận cao hơn.
Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng đang theo dõi xem liệu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thoát khỏi chính sách lãi suất âm trong năm nay hay không.
Trong một báo cáo ra tháng 12, các nhà phân tích tại JP Morgan viết: “Việc chấm dứt chính sách lãi suất âm do tình trạng giảm phát sẽ là điều tích cực đối với chứng khoán Nhật Bản”.
Các chiến lược gia ước tính Chỉ số giá chứng khoán Tokyo nói chung sẽ đạt 2.500 vào cuối năm và Chỉ số trung bình chứng khoán Nikkei sẽ đạt 35.000. Goldman Sachs kỳ vọng Chỉ số giá chứng khoán Tokyo sẽ kết thúc năm 2024 ở mức 2.650.
Lãi suất cao thường dẫn đến đồng tiền mạnh hơn, điều này khiến một số nhà đầu tư băn khoăn về việc liệu thị trường chứng khoán Nhật Bản sẽ ra sao khi cổ phiếu các công ty xuất khẩu của nước này đã hưởng lợi từ đồng yên yếu hơn trong năm ngoái.
MUFG Morgan Stanley dự báo dựa trên diễn biến trong quá khứ, đồng yên mạnh lên sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến cổ phiếu Nhật Bản. Trước đây, cổ phiếu Nhật Bản từng tăng giá khi đồng yên mạnh so với USD, và tỷ giá yên-đô không tác động mạnh đến chỉ số Nikkei 225 (chỉ số chứng khoán quan trọng của Nhật Bản).
Sau khi các nhà xuất khẩu hưởng lợi từ đồng yên yếu hơn vào năm 2023, MUFG Morgan Stanley cho biết họ ưu tiên cổ phiếu của các công ty phụ thuộc vào thị trường nội địa.
Các nước châu Á kỳ vọng giảm lãi suất
Trong khi Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ và tài chính, các nền kinh tế châu Á khác dự kiến sẽ hành động tương tự trong việc giảm lãi suất.
Goldman Sachs kỳ vọng các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi ở châu Á sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ của họ sớm hơn dự báo trước đó. Đồng thời kỳ vọng rằng Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất liên bang "tương đối sớm" trong năm nay.
Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc dự kiến sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong quý II, tiếp theo là Ấn Độ, Australia và New Zealand trong các quý tiếp theo.
Trong một báo cáo riêng, Goldman Sachs dự báo Ngân hàng Nhật Bản có vẻ sẽ chính thức chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng 10.
Invesco ước tính Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất chính sách 10 điểm cơ bản và chính phủ sẽ tung ra nhiều biện pháp kích thích tài khóa hơn trong vài tháng tới.
Báo cáo triển vọng của Nikko Asset Management dự báo thị trường trái phiếu khu vực sẵn sàng thu hút dòng vốn mới.
“Nhìn chung, 2024 có thể là một năm có lợi nhuận cao hơn và biến động thấp hơn đối với trái phiếu chính phủ ở châu Á khi lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dự kiến sẽ ổn định”, báo cáo cho hay.
Nikko Asset Management dự báo trái phiếu chính phủ Ấn Độ sẽ được hưởng lợi từ việc được đưa vào chỉ số JP Morgan - chỉ số trái phiếu chính phủ - thị trường mới nổi, vào tháng 6.
Goldman Sachs cho biết sau sự thay đổi này, trong một năm rưỡi tới, thị trường trái phiếu Ấn Độ sẽ thu hút dòng vốn hơn 40 tỷ USD, bao gồm cả dòng vốn thụ động khoảng 30 tỷ USD.
Trong khi trái phiếu chính phủ Hàn Quốc có vẻ sẽ được đưa vào chỉ số trái phiếu chính phủ toàn cầu FTSE Russell trong đợt đánh giá vào tháng 9 và thông tin này sẽ thu hút dòng vốn hơn 60 tỷ USD.
Sự phục hồi kinh tế chậm chạp của Trung Quốc
Con đường phục hồi kinh tế của Trung Quốc có vẻ khó khăn trong năm mới mặc dù chính phủ nước này đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang giảm tốc, khiến các nhà đầu tư phải chuẩn bị cho những tác động tiếp theo, tờ Nikkei viết.
25 nhà kinh tế được Nikkei khảo sát dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc sẽ đạt 4,6% trong năm nay, tương tự dự báo của quỹ Tiền tệ quốc tế, sau mức tăng trưởng dự kiến 5,2% vào năm 2023.
Morgan Stanley cho biết tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa của Trung Quốc sẽ bị “chậm lại đáng kể".
Nhà kinh tế trưởng châu Á Chetan Ahya tại Morgan Stanley, nói trong một podcast vào tháng 12: “Trước hết, chúng tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức trong việc quản lý tổng cầu và áp lực lạm phát từ việc giảm đòn bẩy tài chính của chính quyền địa phương và các công ty bất động sản”.
Mặc dù Trung Quốc đã nới lỏng chính sách tài chính và tiền tệ, bao gồm cả việc phát hành trái phiếu chính phủ trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) vào cuối tháng 10, nhà phân tích Ahya cho biết những thách thức giảm đòn bẩy là “rất khốc liệt và vì vậy con đường phía trước vẫn sẽ gập ghềnh”.
Invesco nói rằng chưa thấy yếu tố nào cho thấy thị trường bất động sản Trung Quốc đang ấm lên.
“Chúng tôi tiếp tục mong đợi một con đường phục hồi 'hình chữ L' (vẫn đi ngang) cho lĩnh vực bất động sản vào năm tới, do tình trạng suy yếu kéo dài và lượng tồn kho nhà ở cao kỷ lục ở các thành phố cấp thấp, chưa kể các kênh tái cấp vốn vẫn còn chặt chẽ cho khu vực tư nhân”, Invesco viết trong báo cáo triển vọng đầu tư năm 2024.
Nomura dự báo: “Doanh số bán nhà mới vẫn yếu và chúng tôi cho rằng sau mùa xuân năm 2024, Bắc Kinh có thể tài trợ cho các nhà phát triển bất động sản lớn để giao những căn nhà chưa hoàn thiện đã bán trước, đánh dấu một bước ngoặt thực sự cho lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc”.
Chỉ số giá hàng hóa sẽ giảm
Mặc dù rủi ro địa chính trị vẫn ở mức cao nhưng cuộc chiến Israel-Hamas có thể chỉ tác động hạn chế đến giá hàng hóa và Ngân hàng Thế giới dự đoán chỉ số giá hàng hóa sẽ giảm 4% trong năm nay, sau mức giảm dự kiến là 24% vào năm 2023.
Ngân hàng Thế giới dự đoán giá năng lượng sẽ giảm 5% và giá nông sản lẫn kim loại cũng sẽ giảm.
JP Morgan Research viết trong triển vọng thị trường toàn cầu rằng giá dầu Brent sẽ "gần như đi ngang" trong năm nay và trung bình ở mức 83 USD/thùng.
Các nhà phân tích nhận thấy nhu cầu dầu sẽ tăng 1,6 triệu thùng mỗi ngày do "các thị trường mới nổi mạnh mẽ, kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng và nhu cầu yếu nhưng ổn định tại châu Âu”.
JP Morgan Research lạc quan về vàng và bạc vì lãi suất thấp hơn của Mỹ và lợi suất thực tế sẽ đẩy giá vàng danh nghĩa lên mức cao mới vào giữa năm 2024 và trung bình là 2.175 USD/ounce vào quý IV.
Giá quặng sắt dự kiến sẽ tiếp tục tăng sau khi kim loại này tăng giá hơn 17% trong năm ngoái do các biện pháp kích thích của Trung Quốc.
Tuy nhiên, chuyên gia cho biết có những lo ngại về lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc, vốn chiếm 40% nhu cầu quặng sắt, khi số lượng nhà mới xây dựng giảm 23% trong cùng giai đoạn.
Đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng, nhu cầu thấp từ Nhật Bản và Hàn Quốc trong năm ngoái dự kiến sẽ duy trì trong năm nay do các nước này đã cải thiện khả năng năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo.
Ngược lại, nhu cầu từ Trung Quốc đang tăng trưởng “với tốc độ lành mạnh trong những năm tới” do nước này “rất tích cực” trong việc đảm bảo các hợp đồng dài hạn. Họ cũng dự đoán nhu cầu sẽ tăng từ Pakistan và Bangladesh.