Gạo Già Dui Xín Mần: Nâng tầm thương hiệu theo chuỗi giá trị
Gạo Già Dui Xín Mần tỉnh Tuyên Quang (Hà Giang cũ) đang dần khẳng định thương hiệu trên thị trường nhờ đẩy mạnh liên kết sản xuất, quảng bá sản phẩm.
Gạo Già Dui - tinh tuý của đất trời
Gạo Già Dui Xín Mần nổi bật với hương vị riêng biệt và chất lượng vượt trội. Loại gạo này có hạt hơi tròn, dài trung bình, màu trắng và thơm nhẹ. Khi nấu lên, cơm dẻo, có độ ngọt tự nhiên, khác với nhiều sản phẩm phổ biến khác trên thị trường.
Bà con rộn ràng trong mùa gặt. Ảnh: Văn Long
Điều làm nên sự đặc biệt của gạo Già Dui chính là điều kiện tự nhiên độc đáo của vùng trồng Xín Mần. Theo đó, với độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, nền đất feralit và nhiệt độ trung bình từ 18 - 21 độ C, khu vực phía Tây Bắc xã Xín Mần chính là môi trường lý tưởng cho giống lúa đặc sản này sinh trưởng.
Hàng năm, vào cuối tháng 5 âm lịch, người dân địa phương bắt đầu gieo trồng lúa Già Dui, sau khoảng 130 ngày sẽ cho thu hoạch, thời gian đủ để hạt gạo phát triển trọn vẹn hương vị đặc trưng. Cây lúa Già Dui có thời gian sinh trưởng hơn 3 tháng, cao trung bình từ 65 - 75cm, thân cứng, lá thẳng, được chăm sóc chủ yếu bằng phân chuồng truyền thống và gần như không gặp sâu bệnh.
Tới khoảng tháng 10, tháng 11 hàng năm, khi những bông lúa nặng trĩu, chuyển dần sang sắc vàng óng ả là lúc mùa gặt bắt đầu. Không khí nhộn nhịp, rộn ràng lan tỏa khắp các bản làng vùng cao trong ngày hội thu hoạch.
Không chỉ nhờ nét đặt trưng của môi trường vùng trồng mà người dân Xín Mần, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã lưu truyền kinh nghiệm gieo trồng, chăm sóc lúa Già Dui qua nhiều thế hệ. Những bí quyết canh tác này không chỉ giúp đảm bảo năng suất mà còn duy trì ổn định chất lượng gạo. Và gạo Già Dui vì thế không chỉ là lương thực thường nhật mà còn là món quà quý, được bà con ưu tiên dùng trong những dịp lễ, Tết cuối năm như một nét văn hóa ẩm thực độc đáo.
Vào những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, du khách có dịp ghé thăm Xín Mần đều bị mê hoặc trước khung cảnh rực rỡ sắc vàng của mùa lúa chín. Không chỉ mang về những bức ảnh đẹp như tranh vẽ, họ còn có thể đem về những bao gạo Già Dui thơm ngon, đặc sản kết tinh từ nắng gió, đất trời và bàn tay lao động cần mẫn của đồng bào dân tộc thiểu số.
Giống gạo Già Dui đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ảnh minh họa
Phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị
Trước yêu cầu nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh cho gạo Già Dui Xín Mần, thời gian qua, chính quyền xã Xín Mần đã tập trung triển khai mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Xã Xín Mần đã lựa chọn giống lúa Già Dui để sản xuất khép kín từ khâu gieo trồng, thu hoạch, sơ chế đến đóng gói, tiêu thụ. Đây là cách làm giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm đồng đều, xây dựng hình ảnh thương hiệu bài bản và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ngoài ra, chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng kết hợp khoa học kỹ thuật vào toàn bộ quy trình sản xuất và chế biến. Cùng với đó là đẩy mạnh phối hợp công tác in bao bì, thiết kế nhãn mác và chuẩn hóa khâu đóng gói sản phẩm. Điều này không chỉ gia tăng giá trị thương phẩm cho gạo Già Dui mà còn mở ra cơ hội vươn xa hơn trên thị trường trong và ngoài nước.
Đặc biệt, việc thành lập Hợp tác xã toàn thôn Lùng Cháng từ tiền thân là tổ hợp tác được đánh giá là bước đi đúng hướng trong việc tổ chức sản xuất chuyên nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát quy trình canh tác, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu bền vững cho gạo Già Dui.
Gạo Già Dui được trồng trong môi trường, điều kiện tự nhiên độc đáo của vùng Xín Mần. Ảnh minh họa
Đáng chú ý, công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm gạo Già Dui Xín Mần cũng đã được quan tâm, đẩy mạnh. Theo đó, chính quyền địa phương đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường. Đồng thời, gạo Già Dui luôn là sản phẩm được lựa chọn để giới thiệu tại các hội nghị, triển lãm đặc sản địa phương, góp phần lan toả hình ảnh và giá trị sản phẩm.
Song song với đó, các cơ quan chức năng của địa phương cũng phối hợp xây dựng hệ thống kênh mương, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, tạo điều kiện hạ tầng phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát địa bàn, tư vấn trực tiếp cho bà con về quy trình canh tác an toàn, hiệu quả.
Không chỉ dừng lại ở đó, gạo Già Dui Xín Mần cũng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn xây dựng chỉ dẫn địa lý là một bước tiến quan trọng trong quá trình khẳng định thương hiệu gạo đặc sản trên thị trường. Từ năm 2017, gạo Già Dui đã chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, giúp gia tăng độ tin cậy và khả năng nhận diện trong chuỗi cung ứng thực phẩm sạch.
Có thể thấy, sự phát triển của thương hiệu gạo Già Dui Xín Mần cho thấy một mô hình thành công trong việc kết hợp yếu tố bản địa với phương thức sản xuất hiện đại, liên kết chặt chẽ giữa chính quyền, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp và người dân.
Trong bối cảnh thị trường tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm hữu cơ, nguồn gốc rõ ràng, giá trị truyền thống, việc xây dựng thương hiệu gạo đặc sản như Già Dui chính là hướng đi tiềm năng, bền vững, gia tăng cơ hội để sản phẩm đến gần hơn với thị trường, người tiêu dùng trong cả nước.
Từ mô hình của Xín Mần, có thể thấy rằng các sản phẩm, hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số nếu được đầu tư đúng mức, có chiến lược sản xuất, quảng bá bài bản và sự đồng hành của các cơ quan chuyên môn có thể vượt ra khỏi ranh giới địa phương, từng bước chinh phục thị trường, tạo sinh kế ổn định cho người dân.