A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải ngân đầu tư công bị "tắc" do nguyên vật liệu đội giá

Theo đại biểu Quốc hội, hiện nay, ngoài những dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia thì các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong cả nước đang bị "tắc" do vấn đề nguyên vật liệu.

Sáng 5/11, phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho biết, trong năm qua, cử tri và Nhân dân đánh giá rất cao hiệu quả, kết quả điều hành kinh tế - xã hội đất nước.

Theo đại biểu Hạ, kinh tế vĩ mô Việt Nam đang ổn định, mặc dù lương tăng cao nhưng chỉ số CPI ổn định, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt và hiệu quả.

Bên cạnh đó, với sự quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đầu tư công đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, đại biểu Hạ cũng chỉ ra rằng, bên cạnh kết quả đạt được thì vẫn còn một số hạn chế, trong đó có việc giải ngân đầu tư công còn chậm.

Nguyên vật liệu đội giá khiến giải ngân đầu tư công bị tắc
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam)

Theo ông Hạ, qua tìm hiểu thực tế, ngoài những dự án lớn, trọng điểm quốc gia thì các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong cả nước đang bị "tắc". Ông cho rằng một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là vấn đề nguyên vật liệu, gây đội vốn và khiến nhà thầu không thể triển khai dự án.

Nêu dẫn chứng về nguyên vật liệu như cát, đất san lấp, tại tỉnh Quảng Nam, đấu giá một mỏ cát với giá khởi điểm là 1,8 tỷ đồng nhưng qua 200 vòng đấu giá một ngày từ sáng hôm trước đến sáng hôm sau, giá của mỏ cát đã lên tới 375 tỷ đồng, tức gấp hơn 200 lần.

Mặt khác, trong khi giá đất bình thường là 55.000 đồng/m3, thì bây giờ giá lên hơn 200.000 đồng/m3. Giá cát theo quy định của Nhà nước là 120.000 đồng/m3 thì theo đấu giá này lên tới hơn 300.000 đồng/m3.

"Vậy thì các nhà thầu làm sao có thể làm được. Do vậy nên ách tắc hết tất cả", đại biểu Tạ Văn Hạ nói.

Nguyên vật liệu đội giá khiến giải ngân đầu tư công bị tắc
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng cho rằng, Luật Đấu thầu còn có kẽ hở, khi quy định nhà thầu khi tham gia đấu thầu chỉ phải đặt cọc 20% giá trị của gói thầu. Tuy nhiên, Nghị định 126 quy định thời gian chậm nhất để hoàn thành nghĩa vụ của người trúng thầu là 90 ngày nên dẫn tới việc lợi dụng đấu giá lên xong bỏ cọc, sau đó bán tăng giá phần nguyên vật liệu mình đang có để trục lợi.

Bên cạnh đó, đại biểu Hạ cũng nêu thực trạng những dự án nhỏ thì cát tại chỗ không thiếu nhưng không được cấp phép nên không khai thác được. Vì vậy, các nhà thầu phải đi sang địa phương khác tìm mua mang về, từ đó cũng khiến giá nguyên vật liệu tăng lên.

Ông Hạ nhấn mạnh rằng đây chính là bất cập cần sớm được tháo gỡ để hoàn thành được kế hoạch đầu tư công trung hạn vào năm 2025.

Về nguyên nhân sâu xa, đại biểu Hạ cho rằng chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa tốt. Do đó, việc chuẩn bị đầu tư các dự án còn kém nên dẫn đến chậm tiến độ.

“Năm 2025, ngoài việc thực hiện kế hoạch đầu tư công cho năm đó thì còn phải chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030. Do đó, tôi kiến nghị Chính phủ cần phải sớm triển khai công tác chuẩn bị kế hoạch đầu tư công cho giai đoạn tới”, ông Hạ chia sẻ.

Phát biểu giải trình làm rõ về vướng mắc trong chi đầu tư công, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay có những bất cập như thiếu đất để san lấp, do theo quy định thì đất là khoáng sản, nên phải thực hiện theo quy trình chung đối với khoáng sản.

Ông Phớc cho rằng, cần sửa đổi quy định cho phù hợp, hoặc nếu vẫn giữ quan điểm cũ thì cần quy định cấp đất, cấp mỏ cho các nhà thầu thi công tuyến đường chỉ để xây dựng tuyến đường, cấm bán ra ngoài, đóng mỏ ngay sau khi hoàn tất công việc thi công.

"Chính phủ sẽ trình cấp có thẩm quyền để quyết định việc sửa đổi, bổ sung quy định này", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói.

 

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật