A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ còn nhiều 'cơn gió ngược' hơn cả 2023

Theo nhiều chuyên gia, bối cảnh quốc tế vẫn hết sức bất định, những bất ổn, phân mảng địa chính trị vẫn tiếp tục, những xung đột liên tục lan rộng sẽ là những 'cơn gió ngược' ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm tới.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là năm 2023 sẽ kết thúc, bước sang năm 2024 nhiều dự báo từ đầu năm cho rằng bối cảnh sẽ bớt khó khăn hơn khi kinh tế thế giới phục hồi, các thị trường lớn của Việt Nam thoát khỏi rủi ro khủng hoảng kinh tế.

Tuy nhiên, những bất ổn địa chính trị trong thời gian gần đây cùng với những xung đột lan rộng cảnh báo nguy cơ kinh tế thế giới tiếp tục trải qua thời kỳ khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn cả năm 2023.

Bối cảnh thế giới bất định

Nhận định về kinh tế Việt Nam năm tiếp theo, TS. Võ Trí Thành,Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng xác suất nền kinh tế tiếp tục gặp khó ít nhất là đến giữa năm 2024 là rất cao còn TS. Bùi Quang Tuấn,Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thì nhận định bối cảnh năm 2024 rất nhiều khó khăn và những thách thức thậm chí sẽ còn nhiều hơn cả 2023.

Hầu hết các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới. (Nguồn: WiGroup).

"Cơn gió ngược" đầu tiên được dự báo tiếp tục và thậm chí còn mạnh mẽ hơntrong năm 2024 là từ bối cảnh bất ổn trên thế giới. Những cuộc xung đột tại Nga - Ukraine hay mới đây là Israel - Hamas tác động khiến hàng loạt nhóm hàng nguyên liệu, dầu thô, lương lực thực phẩm tăng cao.

Các chuyên gia cho rằng nếu các cuộc xung đột này kéo dài hoặc mở rộng sẽ là những thách thức rất lớn với nền kinh tế thế giới và Việt Nam.

Theo TS. Bùi Quang Tuấn, hiện nay Việt Nam đang hội nhập rất sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Chúng ta cũng đang dựa nhiều vào trụ cột xuất nhập khẩu, vì vậy nếu các xung đột kéo dài, xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động rất lớn.

"Cơn gió ngược" thứ hai là bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới cũng không mấy sáng sủa, hiện vẫn còn nhiều dự báo khác nhau đối với tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước lớn. Một vài dự báo cho rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ nhích lên nhưng cũng có dự báo giảm đi như World Bank vừa công bố dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 2,9% năm 2024 giảm nhẹ so với mức tăng 3% của năm nay.

Tăng trưởng GDP của các đối tác với Việt Nam cũng không đồng đều, nền kinh tế Châu Âu được dự báo tăng trưởng sẽ nhích lên nhưng được dự báo nhưng vẫn ở thấp, Mỹ và Trung Quốc thậm chí còn được dự báo tăng trưởng giảm.

Lạm phát đã giảm nhưng vẫn còn dai dẳng. (Nguồn: WiGroup).

Thứ ba là "cơn gió ngược" từ lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng. Do những xung đột địa chính trị sẽ diễn biến phức tạp khiến giá dầu tăng cao, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Những nguy cơ này đối với lạm phát hiện vẫn treo lơ lửng và là "cơn gió ngược" quan trọng thổi tới nền kinh tế Việt Nam.

Chuyên gia Tuấn cho rằng lạm phát năm tới có thể thấp đi nhưng vẫn còn dai dẳng khiến chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia chưa thể đảo chiều nới lỏng. Trong bối cảnh tiền tệ bị thắt chặt, động lực tăng trưởng chưa thể mạnh mẽ trở lại.

Động lực tới từ giải ngân vốn đầu tư công và FDI

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh. (Ảnh: NVCC).

Đánh giá về những động lực tăng trưởng trong năm tới, Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng năm tới xuất nhập khẩu có thể tốt hơn nhưng vẫn ở mức thấp. Trong nước, động lực từ tiêu dùng đang có xu hướng giảm. Hiện tiêu dùng vẫn tăng trưởng nhưng đang có xu hướng yếu đi ít nhiều, nhất là tiêu dùng trong nước, cho nên việc thu hút khách du lịch nước ngoài rất quan trọng.

Chuyên gia đánh giá trụ cột nhất của tăng trưởng kinh tế hiện vẫn là đầu tư công. Năm tới, cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đặc biệt là việc kéo dài chương trình phục hồi và phát triển.

Cùng với đó, chính sách tiền tệ hiện đã gần hết dư địa chỉ còn chính sách tài khoá đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn này để vượt qua những "cơn gió ngược". Do vậy, cần chuyển đổi một số gói tài khoá không phù hợp sang những gói có khả năng giải ngân tốt hơn.

Ngoài ra, sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc kích cầu, thúc đẩy sản xuất kinh doanh rất quan trọng. Những gói kích cầu đầu tư, hỗ trợ tín dụng hay việc giảm thuế phí, trong đó có kéo dài thời gian giảm thuế VAT 2% là những chính sách cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế.

Còn theo TS. Bùi Quang Tuấn, bối cảnh kinh tế năm 2024 sẽ khác với năm 2023, Việt Nam đã định hình rõ những yếu tố là lợi thế, của mình. "Chúng ta phải dựa nhiều hơn vào thị trường bên trong, xác định đẩy mạnh đầu tư công và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh làm nền tảng cho tăng trưởng".

Năm nay giải ngân vốn đầu tư công không được đẩy mạnh nhiều khiến tăng trưởng GDP ba quý mới đạt hơn 4%, mục tiêu tăng trưởng 6,5% hầu như không đạt được. Dự báo tăng trưởng quý IV và cả năm nay cũng không cao, cả năm chỉ khoảng 5%.

Với năm tới, động lực tăng trưởng có thể dựa vào thị trường trong nước và khu vực FDI nhiều hơn. Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2023 ước đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 10 tháng trong 5 năm qua.

Điều này cho thấy, giải ngân vốn FDI đang có xu hướng tốt lên, đây sẽ là dòng vốn quan trọng bên cạnh vốn đầu tư công bởi hiện đầu tư tư nhân rất thấp và không còn trông chờ gì được vào dòng vốn này trong năm sau.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật