A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lý do chứng khoán Mỹ đỏ lửa sau khi Fed báo hiệu chỉ còn một đợt tăng lãi suất nữa

Ông Powell ngầm ra hiệu rằng mức đỉnh của lãi suất sẽ thấp hơn dự báo trước đó. Theo lý thuyết thì đây là điều có lợi cho cổ phiếu, nhưng đặt trong tình cảnh hiện nay thì nó cho thấy các quan chức có thể đang e sợ rằng nền kinh tế sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images).

Bất ngờ từ Bộ trưởng Tài chính 

Các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ đã có được đợt tăng lãi suất “bồ câu” như mong đợi. Hôm 22/3, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tuyên bố nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps) và báo hiệu sẽ chỉ tung ra thêm một đợt tăng lãi suất khác.

Nhưng vì sao chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones vẫn giảm hơn 500 điểm sau thông tin này? Lời giải thích mà một số chuyên gia đưa ra là trong buổi họp báo, ông Powell đã để lại cho nhà đầu tư rất ít lý do để vững tâm và nhiều thứ để lo ngại.

Một mặt, Chủ tịch Fed kỳ vọng rằng tín dụng sụt giảm sẽ làm hộ công việc của Fed bằng cách làm tổn thương nền kinh tế và thị trường lao động, đồng thời giúp kìm hãm lạm phát. Ông Powell cũng trấn an công chúng và các phóng viên rằng các ngân hàng Mỹ có cơ cấu vốn tốt và “mạnh khỏe”.

Nhưng trong lúc đó, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen lại phát biểu trước Thượng viện rằng các cơ quan quản lý chưa cân nhắc hoặc bàn luận về việc bảo đảm cho mọi khoản tiền gửi ngân hàng. Một số chuyên gia cho rằng chính câu nói này đã góp phần kéo chứng khoán Mỹ đi xuống.

Câu trả lời của bà Yellen có vẻ là điều đáng thất vọng với nhà đầu tư, bởi trước đó báo chí đã đưa tin rằng các nhà chức trách đang nghiên cứu cách để mở rộng chương trình bảo hiểm cho mọi khoản tiền gửi nếu nỗi lo về ngành ngân hàng tiếp tụng lan rộng ra.

Kết phiên 22/3, chỉ số S&P 500 rớt 1,7% xuống 3.934 điểm. Các cổ phiếu dịch vụ tài chính là nhóm giảm mạnh nhất, mất 2,4%. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq sụt 1,6% xuống 11.670 điểm.

Fed đang sợ hãi? 

Để so sánh, chứng khoán Mỹ đã bật tăng trong ngày 21/3. Khi đó, các nhà đầu tư vơ vét cổ phiếu bởi họ kỳ vọng ông Powell sẽ phát đi tín hiệu rằng các quan chức Fed sẽ bớt diều hâu hơn trong chính sách.

Không may cho các nhà đầu tư cổ phiếu, họ đã có được chính xác những gì mình mong muốn. Trên lý thuyết, mức đỉnh lãi suất thấp hơn dự báo trước đó là điều có lợi cho chứng khoán.

Nhưng Giám đốc Steve Sosnick của công ty chứng khoán Interactive Brokers chỉ ra rằng khi kỳ vọng đó được xây dựng dựa trên nỗi sợ về nguy cơ nền kinh tế sụt giảm nghiêm trọng thì triển vọng tương lai trở nên phức tạp hơn nhiều.

Ông Powell loại trừ khả năng Fed hạ lãi suất trong năm 2023. Tuy nhiên, các hợp đồng lãi suất tương lai và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ có vẻ đang phản ánh vào giá rằng lãi suất có thể bị cắt giảm tới ba lần trong năm nay.

Hồi đầu năm nay, nhà đầu tư hy vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất và điều đó đã nâng đỡ cho cổ phiếu. Nhưng giờ, “nhà đầu tư phải cẩn thận với những gì họ mong muốn”, ông Sosnick cảnh báo.

Nỗi sợ Fed có nguy cơ bỏ dở cuộc chiến chống lạm phát càng làm tăng thêm nỗi đau của thị trường. Ông Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance, bình luận rằng giới chức Fed “có thể đang mất đi sự can đảm trong cuộc chiến với lạm phát”. Sự thiếu kiên định của Fed có thể gây ra thêm rắc rối cho thị trường và nền kinh tế trong tương lai.

Giám đốc đầu tư Peter Boockvar của Bleakley Financial Group cho rằng xét về tổng thể, buổi họp báo của ông Powell có ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường. Ông nói rằng Chủ tịch Powell đã trình ra trước thị trường “bộ ba rắc rối lớn”.

“Ông Powell thừa nhận tín dụng sẽ cạn bớt, nói rằng lạm phát và ổn định giá cả vẫn là trọng tâm chính của Fed và các quan chức không dự kiến sẽ giảm lãi suất trong năm nay… Chẳng trách thị trường cắm đầu giảm”, ông Boockvar nhận xét.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật