A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành gỗ Bình Dương: Chủ động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu

Để phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, ngành gỗ Bình Dương chủ động đẩy mạnh xúc tiến thương mại để duy trì thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới.

Tín hiệu tích cực

Tính đến hết quý I/2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, đây là một tín hiệu tích cực, cho thấy thị trường đang hồi phục trở lại.

Ngành gỗ Bình Dương: Chủ động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Bình Dương trong quý I/2024 đạt hơn 1,35 tỷ USD tăng 30,7% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 16,9% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh

Tại tỉnh Bình Dương, theo số liệu của Sở Công Thương, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt hơn 1,35 tỷ USD tăng 30,7% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 16,9% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Trong đó, thị trường chủ yếu là Mỹ chiếm 83,1%, tăng 32,7% so với cùng kỳ; thị trường châu Âu chiếm 4,6%, tăng 23,7%; Nhật Bản chiếm 3,2%, tăng 6,5%; Canada chiếm 2,4%, tăng 34,2%; Hàn Quốc chiếm 1,7%, tăng 10,7%...

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) - đánh giá: Đây là kết quả tích cực trong điều kiện cực kỳ khó khăn do ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn.

Dù vậy ông Liêm cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, do nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại các thị trường xuất khẩu chính, nhất là thị trường Hoa Kỳ và châu Âu.

Ngành gỗ Bình Dương: Chủ động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu

Nhiều doanh nghiệp gỗ Bình Dương đầu tư máy móc công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh và phát triển bền vững

Đặc biệt, so với thời điểm trước, xuất khẩu gỗ hiện nay đã khác, không còn đơn hàng ký dài hạn 6 tháng hoặc theo năm, thay vào đó, doanh nghiệp làm theo mẫu, giao ngắn hạn và quan trọng là phải chủ động tìm kiếm khách hàng.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Điền Quang Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 (TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) - doanh nghiệp xuất khẩu gỗ 90% vào thị trường Hoa Kỳ - cũng cho biết: Năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024 đơn hàng giảm sút khoảng 35%, hiện nay ổn định ở mức 65%. Dù tín hiệu đầu năm 2024 khá lạc quan nhưng năm nay xuất khẩu gỗ vẫn phải đối diện với những tồn tại nối tiếp của năm 2023 như xung đột chính trị, sức mua giảm, sự gián đoạn của vận tải đang làm đội chi phí vận chuyển hàng đi châu Âu, Hoa Kỳ.

Chủ động xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu

Theo đánh giá Sở Công Thương, những tháng đầu năm 2024 hoạt động sản xuất công nghiệp của Bình Dương có nhiều khởi sắc, đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu có tín hiệu phục hồi, xuất khẩu tại nhiều thị trường chủ lực đã lấy lại tăng trưởng. Kết quả này cho thấy năng lực của các doanh nghiệp đã cải thiện nhiều nhờ sự thích ứng, chủ động xúc tiến và tận dụng được cơ hội của thị trường. Điều này tạo niềm tin tăng trưởng tích cực trong cả năm 2024.

Ngành gỗ Bình Dương: Chủ động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu
Hội chợ là cơ hội để các doanh nghiệp gỗ Bình Dương tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hợp tác và trao đổi công nghệ trong lĩnh vực chế biến gỗ

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương - cho rằng: Để tăng trưởng và phát triển bền vững, ngành gỗ Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung cần chủ động thích ứng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, từ đó đưa ra những thay đổi linh hoạt trong quá trình sản xuất cũng như xuất khẩu. Mặt khác, doanh nghiệp cần phải nỗ lực tận dụng hỗ trợ từ các cơ quan xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Dương Tú Trinh - Phó giám đốc Công ty TNHH Gỗ Đức Thiện - cũng cho rằng: Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sẽ đặt ra nhiều bài toán mới đối với doanh nghiệp, đòi hỏi chương trình xúc tiến thương mại phải được nâng cao và mở rộng, đi kèm với các chính sách mang tính chiến lược của Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu ngày càng hiệu quả hơn.

Để tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường đẩy mạnh xuất khẩu, ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương - cho biết: Trong thời gian tới, Sở tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp trọng tâm như: Phối hợp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, mở rộng thị trường, ký kết các đơn hàng xuất khẩu mới ngoài các thị trường truyền thống như: Trung Đông, Ấn Độ, Nam Mỹ… cũng như thị trường của các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường qua các sàn thương mại điện tử.

Bình Dương được xem là “thủ phủ” ngành gỗ khi chiếm gần khoảng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Bình Dương hiện có hơn 1.200 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ. Trong đó, có hơn 900 doanh nghiệp trong nước và hơn 300 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngành chế biến gỗ cũng là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương, chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất tỉnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan