A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Hải quan: Nỗ lực thu hồi, xử lý nợ thuế quá hạn

Tổng cục Hải quan vừa ra quyết định giao chỉ tiêu tối thiểu thu hồi và xử lý nợ thuế quá hạn năm 2023 cho từng đơn vị cụ thể để đảm bảo công tác thu hồi và xử lý nợ thuế của toàn ngành đáp ứng theo đúng yêu cầu đặt ra.

Quý I, thu hồi và xử lý nợ thuế 66,3 tỷ đồng

Thống kê sơ bộ cho thấy, nợ thuế truy thu và tạm thu do cơ quan Hải quan quản lý đến ngày 31/12/2022 khoảng 7.166 tỷ đồng, tăng gần 2% so với năm 2021, bằng 1,64% so với tổng số thu của toàn ngành. Trong đó, số nợ chuyên thu quá hạn là 5.716 tỷ đồng, chiếm 1,3% số thu ngành và số nợ tạm thu là 1.450 tỷ đồng.

Nhằm tăng cường hiệu quả công tác xử lý nợ thuế theo Nghị quyết 94/2019/QH14, ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố khẩn trương tập trung thực hiện một số giải pháp liên quan đến khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp. Với những giải pháp quyết liệt, trong quý I năm nay, toàn ngành đã thu hồi và xử lý nợ thuế đạt 66,3 tỷ đồng. Kết quả này cũng đánh giá sự nỗ lực trong công tác thu hồi và xử lý nợ thuế trước khi thời gian xử lý nợ theo Nghị quyết 94/2019/QH14 kết thúc (kết thúc ngày 30/6/2023).

Trong quý II, để tăng cường hiệu quả xử lý nợ, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tập trung xác định đúng đối tượng được xử lý nợ theo Nghị quyết 94/2019/QH14. Từ đó thu thập, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ xử lý nợ theo quy định tại Thông tư 69/2020/TT-BTC; đối chiếu, xác định chính xác số tiền thuế nợ được khoanh, số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa theo quy định tại Nghị quyết 94/2019/QH14 và Thông tư 69/2020/TT-BTC.

Đồng thời, thực hiện khoanh nợ, xóa nợ tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp theo trình tự, thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền quy định tại Nghị quyết 94/2019/QH14 và Thông tư 69/2020/TT-BTC. Phối hợp với cơ quan chức năng xác minh tình trạng hoạt động của công ty mẹ khi thực hiện xử lý nợ đối với chi nhánh, đơn vị trực thuộc, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh theo quy định tại Thông tư 69/2020/TT-BTC quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết 94/2019/QH14, Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý thuế 2019.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng đề nghị các cục hải quan tỉnh, thành phố tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, UBND các cấp và tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan (cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh...) đảm bảo hoàn thành việc xử lý nợ trong thời hạn hiệu lực của Nghị quyết 94/2019/QH14.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần chấn chỉnh từ công tác theo dõi, phân loại chính xác số nợ để đưa ra các biện pháp quản lý xử lý một cách hiệu quả. Các đơn vị cũng cần bắt tay ngay vào việc rà soát đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác theo dõi, xử lý nợ thuế theo hướng ổn định và yên tâm công tác ở vị trí này. Cục Thuế xuất nhập khẩu, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan phải tổ chức các cuộc hướng dẫn trực tiếp, cụ thể cho từng đơn vị, từng cán bộ, công chức làm công tác này; các cục hải quan tỉnh, thành phố chủ động phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế xuất nhập khẩu, Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan triển khai quy trình quản lý nợ, nếu có phát sinh vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời.

Phấn đấu thu hồi, xử lý gần 1.500 tỷ đồng nợ thuế

Đặc biệt, để đảm bảo công tác thu hồi và xử lý nợ thuế của toàn ngành đáp ứng theo đúng yêu cầu đặt ra, Tổng cục Hải quan vừa ra quyết định giao chỉ tiêu tối thiểu thu hồi và xử lý nợ thuế quá hạn năm 2023 lên tới gần 1.500 tỷ đồng cho từng đơn vị cụ thể.

Theo đó, Tổng cục Hải quan giao chỉ tiêu thu hồi và xử lý nợ thuế chuyên thu quá hạn, tiền chậm nộp thuế; tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính đối với các khoản nợ chuyên thu quá hạn phát sinh trước ngày 1/1/2023 của các tờ khai đã thông quan/giải phóng hàng tính đến thời điểm ngày 31/12/2022 cho 26 cục hải quan tỉnh, thành phố và Cục Kiểm tra sau thông quan.

Trong số 27 đơn vị được giao chỉ tiêu thu hồi và xử lý nợ thuế chuyên thu quá hạn năm 2023, Cục Hải quan TP HCM được giao chỉ tiêu cao nhất với số tiền hơn 805 tỷ đồng, tiếp đến là Cục Hải quan Lào Cai với gần 419 tỷ đồng, Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 98 tỷ đồng, Cục Hải quan Cần Thơ hơn 21 tỷ đồng, Cục Hải quan Quảng Ninh gần 21 tỷ đồng. Có 4 đơn vị được giao chỉ tiêu dưới 100 triệu đồng là Cục Hải quan Quảng Nam 16 triệu đồng, Cục Hải quan Bình Phước 46 triệu đồng, Cục Hải quan Thừa Thiên Huế 53 triệu đồng và Cục Hải quan Thanh Hóa với 61 triệu đồng.

Đối với các cục hải quan tỉnh, thành phố không giao chỉ tiêu thu hồi và xử lý nợ, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định, theo dõi, quản lý và đề xuất xử lý đối với các khoản nợ khó thu tại đơn vị.

Tổng cục Hải quan giao trách nhiệm cho cục trưởng cục hải quan các tỉnh, thành phố và Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan phải tổ chức thực hiện quy định, đồng thời không để phát sinh các khoản nợ thuế mới trong năm 2023. Trường hợp phát sinh nợ mới thì phải triển khai ngay các giải pháp thu hồi nợ, áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định.

Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, thủ trưởng các đơn vụ thuộc cơ quan Tổng cục căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm kiểm tra, thực hiện các biện pháp đôn đốc, thu hồi và xử lý các khoản nợ thuế phát sinh trong quá trình thanh tra, kiểm tra.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan