Nhật Bản từ chốn yên bình hóa tâm bão của thị trường tài chính thế giới
Đồng yen tăng mạnh trong thời gian ngắn đã làm đảo lộn chiến lược carry trade. Chuyên gia nhận xét biến động của đồng yen và lãi suất ở Nhật Bản có vẻ có tác động đến thị trường toàn cầu nhiều hơn là nỗi lo suy thoái ở Mỹ.
Đảo lộn kỳ vọng
Trong vòng một tuần, Nhật Bản đã đảo ngược kỳ vọng của thế giới dành cho thị trường và nền kinh tế nước này. Nhật Bản là điểm đến ưa thích của giới tài chính trong hơn một năm qua. Đồng yen yếu giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán Nhật Bản lên đỉnh lịch sử và hồi sinh lạm phát sau hàng thập kỷ.
Sau đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất vào ngày 31/7 và Thống đốc Kazuo Ueda ra hiệu ông có ý định tiếp tục.
Động thái này kích hoạt đà tăng của đồng yen và gây rung lắc trên thị trường thế giới. Các nhà đầu tư phải từ bỏ chiến lược dựa trên giả định rằng đồng tiền của Nhật Bản sẽ tiếp tục yếu và lãi suất sẽ không đi lên quá nhanh.
Ông Stephen Miller, nhà tư vấn tại Grant Samuel Funds Management, bình luận: “Đây là tình huống hoàn toàn mới với thị trường. Nhà đầu tư khắp nơi run rẩy khi BoJ có vẻ quyết tâm chấm dứt kỷ nguyên lãi suất thấp. Nhật Bản hiện là trung tâm của mọi nỗi lo - đối với trái phiếu, cổ phiếu, đồng yen, tín dụng, tất cả mọi thứ”.
Vào ngày 5/8, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản ghi nhận phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ năm 1987. Cuộc bán tháo lan ra các thị trường chứng khoán khác ở châu Á, châu Âu và Mỹ.
Sự hỗn loạn trên thị trường có thể làm tổn thương niềm tin của người tiêu dùng và nỗ lực chấm dứt giảm phát của Nhật Bản.
Nhà đầu tư càng thêm rối trí khi Phó Thống đốc BoJ Shinichi Uchida tuyên bố vào ngày 7/8 rằng các quan chức sẽ không tăng lãi suất khi thị trường bất ổn. Sau phát biểu của ông Uchida, đồng yen sụt 2% so với USD.
Đà tăng của đồng yen cũng làm đảo lộn một trong những chiến lược sinh lời nhất thị trường trong năm nay - carry trade bằng đồng yen.
Những nhà đầu tư sử dụng chiến lược này đi vay bằng đồng yen với lãi suất thấp để đầu tư vào các tài sản quốc tế sinh lời cao hơn. Sự phục hồi của đồng yen khiến các nhà đầu tư vội vã đóng vị thế và chốt lời, càng kéo giá yen lên cao.
Bà Wei Li, Giám đốc chiến lược đầu tư toàn cầu tại BlackRock, bình luận: “Trong những lần giao dịch carry trade bị đảo lộn nhanh chóng trước đây, các thị trường cũng không phản ứng mạnh như hiện tại.
Điều này cho thấy những gì xảy ra ở Nhật Bản có ảnh hưởng lớn tới thị trường hơn nỗi sợ suy thoái - và những tác động đó có thể lan tỏa ra thế giới”.
Ngày càng nhiều nhà kinh tế cho rằng động thái tăng lãi suất của BoJ là sai lầm và chịu ảnh hưởng của áp lực chính trị, bởi vài chính trị gia cấp cao của Nhật Bản đã chỉ trích đồng yen yếu trong những tuần gần đây.
Tuy nhiên cũng có người ủng hộ BoJ. Ông Christopher Willcox, Giám đốc bộ phận ngân hàng thương mại và đầu tư tại Nomura Holdings, đánh giá tăng lãi suất là quyết định đúng đắn khi xét đến môi trường vĩ mô của Nhật Bản và dẫu sao việc đảo chiều chính sách tiền tệ lỏng lẻo đã kéo dài hàng chục năm cũng sẽ gây rối loạn.
Ông bình luận: “Các quan chức luôn biết việc kết thúc chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ rất khó khăn. Tôi nghĩ BoJ đang hành động rất khôn khéo”.
Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng sự thay đổi của BoJ và hệ quả là sự náo loạn của thị trường sẽ buộc các nhà đầu tư phải phân tích lại Nhật Bản. Nhà tư vấn Miller chỉ ra: “Chiến lược duy nhất lúc này là từ bỏ chiến lược bạn đã sử dụng hàng chục năm qua”.