Quý IV/2023, xuất khẩu ngành nông nghiệp cần 15,5 tỷ USD để hoàn thành mục tiêu
Năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cả năm 54 tỷ USD, cao hơn so với con số 53,2 tỷ USD của năm 2022. Như vậy, trong quý IV, toàn ngành cần phải đem về 15,5 tỷ USD, tức phải tăng 25% so với kim ngạch xuất khẩu 12,4 tỷ USD của quý IV/2022.
Tăng trưởng nông sản với mức ấn tượng trong 9 tháng
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 38,48 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 19,54 tỷ USD; các sản phẩm chăn nuôi đạt 369 triệu USD; thủy sản đạt 6,64 tỷ USD; lâm sản đạt 10,44 tỷ USD; xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 1,49 tỷ USD.
Xét về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 3 quý, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 22,1%, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20,7%, giảm 22,6%; và xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm tỷ trọng 7,6%, giảm 7,7%.
Trong 9 tháng năm 2023, rau quả, gạo, cà phê, điều, sản phẩm chăn nuôi là những ngành hàng đạt được tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với các sản phẩm chăn nuôi trong tháng 9, giá trị xuất khẩu ước đạt 45 triệu USD, đưa tổng giá trị 9 tháng năm 2023 đạt 369 triệu USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 101 triệu USD, tăng 23,6%; xuất khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 106 triệu USD, tăng 35,9%.
Ngược lại, xuất khẩu một số mặt hàng nông sản khác trong 9 tháng qua vẫn suy giảm khá lớn về cả lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Với thủy sản, giá trị xuất khẩu trong tháng 9 chỉ đạt 850 triệu USD. Lũy kế 9 tháng năm 2023 đạt 6,64 tỷ USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, mức giảm so với cùng kỳ đang dần thu hẹp qua từng tháng, cho thấy những dấu hiệu tích cực về thời điểm cuối năm.
Tương tự, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ trong tháng 9 đạt 1,2 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2023, xuất khẩu mặt hàng này chỉ đạt 9,69 tỷ USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Từ chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2023 đạt 30,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản đạt 18,68 tỷ USD, giảm 9,5%; giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 2,58 tỷ USD, giảm 8,4%; giá trị nhập khẩu thuỷ sản đạt 1,97 tỷ USD, giảm 3,7%; giá trị nhập khẩu các mặt hàng lâm sản đạt 1,72 tỷ USD, giảm 29,2%; giá trị nhập khẩu đầu vào sản xuất đạt 5,47 tỷ USD, giảm 9%; giá trị nhập khẩu muối đạt 34,8 triệu USD, tăng 13,4%.
Xét về cán cân xuất - nhập khẩu theo mặt hàng cụ thể, 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD gồm: gỗ và sản phẩm gỗ thặng dư 8,02 tỷ USD; cà phê thặng dư 3,04 tỷ USD; gạo thặng dư gần 3 tỷ USD; rau quả thặng dư 2,72 tỷ USD; tôm thặng dư 2,11 tỷ USD; cá tra thặng dư 1,24 tỷ USD, giảm 33,6%. Có 3 mặt hàng thâm hụt thương mại trên 1 tỷ USD, gồm: thức ăn gia súc và nguyên liệu thâm hụt 2,94 tỷ USD; bông thâm hụt 2,18 tỷ USD; ngô thâm hụt gần 1,93 tỷ USD.
Hướng tới tăng trưởng 25% trong quý IV khi các thị trường phục hồi
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cả năm 2023 đạt 54 tỷ USD, cao hơn so với con số 53,2 tỷ USD của năm 2022. Như vậy, trong quý IV, toàn ngành cần phải đem về 15,5 tỷ USD, tức phải tăng trưởng 25% so với kim ngạch xuất khẩu 12,4 của quý IV/2022.
Vẫn còn nhiều tiềm năng và cơ hội để các lĩnh vực hướng tới mục tiêu này. Điển hình như với rau quả, thời gian qua mặt hàng này liên tục “bùng nổ” khi kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh qua từng tháng. Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết xuất khẩu rau quả bắt đầu sôi động từ cuối năm 2022, khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều mặt hàng trái cây tiếp tục được thị trường Trung Quốc đón nhận như: thanh long, sầu riêng, mít, xoài…
Trong Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nếu giữ vững tốc độ xuất khẩu như hiện tại thì con số 5 tỷ USD sẽ đạt được trong năm nay, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.
Hay với ngành thuỷ sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) nhận định, thời điểm cuối năm chắc chắn sẽ khởi sắc hơn khi lượng hàng tồn kho giảm, nhu cầu cho dịp cuối năm sẽ tăng lên, thúc đẩy các thị trường nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam
Với ngành gỗ, đơn hàng xuất khẩu gỗ nội thất đang bắt đầu trở lại từ cuối quý II, mặc dù chưa phục hồi mạnh. Thị trường chính của Việt Nam là Mỹ bắt đầu nhập số lượng các sản phẩm từ gỗ, thị trường Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ cũng đang phát triển ổn định và có nhu cầu nhập thêm các sản phẩm nội thất… Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý, thị trường châu Âu cũng đang định hình xu hướng tiêu dùng của ngành gỗ nội thất khi chiếm tới 2/3 thị phần của các mặt hàng cao cấp nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này đặt ra nhiều yêu cầu về tiêu dùng bền vững, yêu cầu ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam phải cải tiến và thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, xã hội và trách nhiệm doanh nghiệp.