Thị trường hàng hoá hôm nay 18/12/2023: Sắc xanh bao trùm bảng giá kim loại
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc tuần giao dịch 11-17/12, diễn biến khá phân hóa trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới.
Trái với xu hướng giá đi xuống của nhóm năng lượng và nông sản, sắc xanh gần như bao trùm nhóm mặt hàng nhóm kim loại. Chỉ số MXV-Index tăng 1,18% lên 2.139 điểm, mức cao nhất trong vòng hai tuần qua. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 5.000 tỷ đồng.
MVX- Index |
Giá đậu tương quay đầu tăng
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), mặc dù diễn biến hết sức giằng co, nhưng giá đậu tương vẫn khép lại tuần giao dịch 11 - 17/12 với mức tăng gần 1%, kết thúc chuỗi 5 tuần liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ. Động lực tăng chính của giá đậu tương trong tuần trước chủ yếu đến từ kết quả xuất khẩu tích cực của Mỹ.
Bảng giá nông sản |
Năm phiên giao dịch trong tuần vừa rồi đều ghi nhận những đơn bán hàng đậu tương với khối lượng lớn của Mỹ. Theo dữ liệu từ các báo cáo Bán hàng Hàng ngày (Daily Export Sales) của USDA, các nhà xuất khẩu Mỹ đã bán được tổng cộng hơn 1,4 triệu tấn đậu tương niên vụ 23/24 cho khách hàng lớn Trung Quốc và các nước giấu tên. Điều này cho thấy nhu cầu đối với đậu tương Mỹ trên thị trường quốc tế vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, và là yếu tố tác động mạnh lên giá.
Tại Brazil, dự báo thời tiết sẽ có mưa ở những vùng trồng đậu tương trọng điểm, trước đó đã phải vật lộn với khô hạn từ đầu mùa gieo trồng. Lượng mưa này dự kiến sẽ giúp nông dân đẩy nhanh tốc độ gieo sạ, đồng thời ngăn chặn sự suy giảm chất lượng và năng suất của các diện tích đã trồng. Trong khi đó ở Argentina, lượng mưa dồi dào mà El Nino mang lại đã hỗ trợ cho hoạt động canh tác đậu tương thời gian vừa qua. Dựa trên cơ sở này, Sở Giao dịch Ngũ cốc Rosario dự báo Argentina sẽ sản xuất 50 triệu tấn đậu tương trong niên vụ 23/24, tăng gấp đôi so với niên vụ trước.
Hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương cũng rung lắc mạnh trong tuần vừa rồi. Tuy phe bán chiếm ưu thế hơn, nhưng giá khô đậu tương vẫn đóng cửa tuần với mức tăng nhẹ, đồng thời chấm dứt đà lao dốc kéo dài trong 3 tuần trước đó. Tình hình mùa vụ khả quan ở Nam Mỹ, khu vực xuất khẩu khô đậu lớn nhất thế giới, đã tác động mạnh lên giá. Tuy nhiên, đà giảm của giá khô đậu bị thu hẹp đáng kể khi giá tiến sát vùng hỗ trợ tâm lý 400. Đối với dầu đậu tương, giá diễn biến giằng co và chưa thể thoát khỏi khoảng đi ngang 49 - 52,5. Nhu cầu dầu đậu tương ở Mỹ tăng cao đã hỗ trợ giá, trong khi triển vọng Brazil mở rộng ngành công nghiệp ép dầu đã gây áp lực lên giá.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận cuối tuần trước (15/12), giá khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về cảng Việt Nam đi ngang. Theo đó, giá chào bán khô đậu tương Nam Mỹ tại cảng Cái Lân lên mức 13.050 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao quý I, giá khô đậu tương dao động quanh mức 12.900 - 13.050 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn khoảng 150 đồng so với cảng Cái Lân.
Sau cuộc họp FED, giá kim loại đồng loạt tăng
Tuần giao dịch vừa qua, sắc xanh phủ kín bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, sau khi giảm mạnh gần 10% trong tuần trước đó, giá bạc phục hồi 3,77% lên 24,15 USD/ounce. Giá bạch kim cũng tăng 3,57%, đóng cửa tuần tại mức 952,6 USD/ounce, đứt chuỗi giảm hai tuần liên tiếp.
Đối với kim loại quý, sau khi giảm mạnh gần 10% trong tuần trước đó, giá bạc phục hồi 3,77% lên 24,15 USD/ounce |
Trong các phiên đầu tuần, giá bạc và giá bạch kim đã phải chịu áp lực khi các nhà đầu tư thận trọng hơn trước thềm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) họp ngày 12 - 13/12. Lo ngại FED có thể thắt chặt chính sách tiền tệ hơn so với kỳ vọng của thị trường đã thúc đẩy đồng USD tăng trở lại và gián tiếp gây áp lực lên giá kim loại quý.
Tuy vậy, giá bạc và giá bạch kim đã bật tăng mạnh mẽ ngay sau khi quyết định lãi suất của FED được công bố, FED cho biết chu kỳ thắt chặt tiền tệ đã kết thúc. Chi phí đi vay dự kiến giảm 75 điểm cơ bản trong năm tới. Hiện số ý kiến ủng hộ việc FED giảm lãi suất ngay trong tháng 3/2024 đã tăng lên 63%, từ mức 43% trong tuần trước đó, theo CME FedWatch.
Bảng giá kim loại |
Kỳ vọng FED sắp xoay trục chính sách đã khiến đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ lao dốc mạnh trong tuần trước, đặc biệt là khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) phát đi tín hiệu về chính sách khắc nghiệt hơn so với FED.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX phục hồi 1,57% lên 3,89 USD/pound. Áp lực lãi suất giảm bớt và đồng USD suy yếu cũng hỗ trợ giá đồng tăng trong tuần trước.
Hơn nữa, Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản cũng góp phần thúc đẩy đà tăng của giá đồng. Tân Hoa Xã cho biết hai thành phố hạng nhất của Trung Quốc là Bắc Kinh và Thượng Hải đã nới lỏng các hạn chế mua nhà.
Ở chiều ngược lại, nhu cầu yếu tại Trung Quốc đã khiến giá quặng sắt gặp áp lực trong tuần trước, để mất 1,2% về 133,89 USD/tấn.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS), sản lượng thép của Trung Quốc nối dài đà giảm sang tháng thứ năm liên tiếp, chỉ đạt 76,1 triệu tấn trong tháng 11, giảm 3,8% so với tháng trước. Triển vọng tiêu thụ thép kém đã làm suy yếu nhu cầu mua quặng sắt, nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép.
Hơn nữa, phần lớn các thành phố tại Trung Quốc phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt trong tuần trước. Chính quyền cho biết đây là một trong những đợt lạnh nhất ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Điều này đã khiến cho hoạt động xây dựng tại Trung Quốc bị gián đoạn và tác động tiêu cực lên giá sắt thép.
Giá một số hàng hóa khác
Bảng giá năng lượng |
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp |