Thông các điểm nghẽn và nguồn lực cho tăng trưởng
Đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công tiếp tục là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ phát triển đất nước. Do vậy, sửa đổi Luật Đầu tư công nhằm khắc phục những vướng mắc, khơi thông các điểm nghẽn và nguồn lực cho tăng trưởng, phát triển là yêu cầu cần thiết, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn trong thời kỳ mới.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã liên tục tổ chức lấy ý kiến các tỉnh, thành phố thuộc vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố thuộc vùng miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng đối với Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Theo đó, Bộ này cho biết: Luật Đầu tư công năm 2019 đã quy định nhiều nội dung mới, cải cách, đột phá về tư tưởng và quan điểm quản lý đầu tư công, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo sự chủ động, linh hoạt và năng cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong quản lý đầu tư công.
Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ đầu tư đưa vào khai thác, sử dụng nhiều dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng như: đường cao tốc liên vùng, ven biển..., từ đó tạo kết quả rõ nét trong thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng.
“Sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần xử lý, tháo gỡ. Một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển trong tình hình mới; đồng thời, một số quy định cơ chế, chính sách thí điểm mới được Quốc hội ban hành cũng cần nghiên cứu để thể chế hóa tại Luật", Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, có một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư công hiện hành; trong đó, việc phân cấp, phân quyền còn chưa triệt để, một số trình tự, thủ tục còn phải trình, báo cáo qua nhiều cấp, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bên cạnh đó, một số nội dung còn chồng chéo, chưa được quy định cụ thể hoặc còn có nhiều cách hiểu đối với cùng một nội dung, gây lúng túng cho các bộ, cơ quan và địa phương trong quá trình triển khai…
Đại diện các tỉnh, thành hầu hết đồng tình cao với nội dung phân cấp, phân quyền; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Góp ý cho dự thảo, đại diện lãnh đạo UBND Hà Nội cho biết: Giải phóng mặt bằng thường ảnh hưởng lớn đến tiến độ, tách ra thành dự án riêng là phù hợp. Tuy nhiên, Luật Đầu công hiện hành mới được thực hiện khoảng 5 năm, do đó, cần đánh giá kỹ những tồn tại, nguyên nhân từ nhiều phía: cơ quan trình và cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đầu tư các cấp, dẫn đến kéo dài thực gian thực hiện, bố trí vốn…
Từ thực tế, đại diện tỉnh Tuyên Quang bày tỏ, Sở Kế hoạch và Đầu tư gặp một số khó khăn về nhân lực, thời gian… trong thẩm định chủ trương đầu tư, nhất là một số dự án chuyên sâu, chẳng hạn về công nghệ thông tin, đề nghị giao cho các sở chuyên ngành.
Cùng với đó, dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi cũng sẽ đa dạng hóa các hình thức, phương thức quản lý, thực hiện dự án; quy định rõ một số nội dung còn phát sinh cách hiểu khác nhau; quy định một số nội dung đặc thù đối với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài nhằm thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn…
Chia sẻ các điểm dự kiến đề xuất sửa đổi, ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi đề xuất cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án.
Theo đó, trường hợp thật sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định. Đối với dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C do cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Đề xuất này được ông Nguyễn Chí Cường, Phó chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng đánh giá là rất phù hợp trên thực tiễn. Không tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập lâu nay có một thực tế là dự án bị “kéo rê”, khó thực hiện. Dự án đã duyệt xong quyết định chủ trương đầu tư, nhưng chưa giải tỏa, đền bù được thì vẫn phải kéo dài.
“Điều này không chỉ liên quan đến tiến độ thực hiện, mà còn ảnh hưởng cả kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư hằng năm của địa phương”, ông Cường cho hay.
Luật Đầu tư công hiện hành chỉ quy định việc HĐND quyết định việc giao UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển, khả năng tài chính và đặc điểm cụ thể của địa phương trong trường hợp cần thiết. Đồng thời, UBND các cấp quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách địa phương để đầu tư giữa các ngành, lĩnh vực, chương trình và trong nội bộ các ngành, lĩnh vực, chương trình của các đơn vị sử dụng các nguồn vốn này và báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.
Đại diện tỉnh Quảng Nam đánh giá rất cao dự thảo, đồng thời cho rằng, từ những vấn đề mà dự thảo Luật đề xuất cho thấy rõ những khó khăn trong thực tế. Còn đại diện tỉnh Thanh Hóa cho rằng, các đề xuất của dự thảo Luật đặt ra giải quyết cơ bản những vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải.
Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi nhận được sự đồng thuận cao của các địa phương và hầu hết các địa phương có chung quan điểm: Các đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư công rất phù hợp với thực tiễn hiện nay, nếu được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn rất lớn cho các địa phương.