A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiềm năng xuất khẩu dược liệu

Thị trường dược liệu trên thế giới được đánh giá là khá tiềm năng với quy mô khoảng 200 - 300 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá có nguồn dược liệu đa dạng. Mở thêm đầu ra cho lĩnh vực sản phẩm này đang là nhu cầu của các địa phương có thế mạnh trên cả nước.

Cần tăng cường khả năng chế biến sâu với dược liệu để gia tăng thị trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: internet)

Việt Nam đứng thứ 3 về xuất khẩu quế

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trên bản đồ dược liệu thế giới, Việt Nam được đánh giá có nguồn dược liệu đa dạng; tỷ lệ dược liệu tự nhiên quý hiếm vẫn còn khá phong phú. Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu. Trong đó, hiện diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu và là quốc gia sản xuất và xuất khẩu (XK) quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc.

Hiện quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều thị trường như Ấn Độ, Bangladesh, Các Tiểu vương quốc A rập thống nhất, Pakista, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Mỹ và các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU)… Ông Phú khẳng định: “Trước xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… cùng nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, sản phẩm quế, hồi Việt Nam có thêm động lực, thời cơ phát triển”.

Ông Bùi Trung Thướng - Tham tán thương mại (TTTM) tại Ấn Độ cho biết, Việt Nam là quốc gia cung cấp mặt hàng quế lớn nhất cho thị trường này. Riêng năm tài chính 2022 - 2023 sản lượng quế Việt Nam XK sang Ấn Độ chiếm 85% lượng quế nhập khẩu (NK) của Ấn Độ. “Lợi thế để XK sản phẩm này sang Ấn Độ là nhờ ưu đãi thuế quan từ FTA giữa ASEAN - Ấn Độ. Đặc biệt, với dân số đông, Ấn Độ có dải nhu cầu của thị trường rất lớn về quế, hồi, dược liệu…” - ông Thướng thông tin.

Ông Đỗ Ngọc Hưng - TTTM tại Hoa Kỳ cho biết, năm 2022, kim ngạch XK quế của Việt Nam sang nước này đạt khoảng 50 triệu USD, chiếm 35% tổng kim ngạch NK quế của Hoa Kỳ. Đáng chú ý, trong bối cảnh hậu đại dịch, mối quan tâm gần như hàng đầu của người tiêu dùng là những sản phẩm tăng sức đề kháng và dễ dàng chế biến, sử dụng tại nhà. Trong khi quế hồi được sử dụng rất nhiều trong các ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm. Đặc biệt, nhu cầu sử dụng tinh dầu quế là đang ngày càng tăng mang lại tiềm năng lớn cho các DN XK quế hồi của Việt Nam.

Chủ yếu xuất khẩu thô, quy mô manh mún

Theo Bộ Công Thương, giá trị XK quế, hồi của Việt Nam liên tục tăng qua các năm và riêng năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD. Tuy nhiên, con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới. Một trong những lý do được đưa ra là dược liệu Việt Nam được XK ở dạng nguyên liệu thô. Thêm vào đó, những sản phẩm XK có thế mạnh như quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe... vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ, theo kiểu “mạnh ai nấy làm”.

Yên Bái hiện là địa phương có diện tích quế lớn nhất cả nước với 86.000ha, sản lượng đạt 30.000 tấn/năm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái, kim ngạch XK quế và sản phẩm từ quế của Yên Bái rất khiêm tốn, chỉ từ 50 - 60 triệu USD. Do đó, ông Chiến mong muốn thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục giới thiệu quế của Yên Bái với nhà NK thế giới, thu hút nhà đầu tư vào phát triển công nghiệp chế biến sâu sản phẩm từ quế trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Lai Châu cũng là một trong các địa phương có diện tích trồng quế, hồi lớn, sản lượng chế biến đạt từ 50 - 60 tấn/năm nhưng theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Lai Châu, chi phí sản xuất, quy trình bảo quản, vận chuyển cũng đang là trở ngại lớn đối với DN địa phương trong quá trình thúc đẩy XK quế, hồi, dược liệu. Với khó khăn này, Lai Châu mong muốn Bộ Công Thương hỗ trợ địa phương kết nối, quảng bá sản phẩm quế, hồi và dược liệu khác đến các thị trường các nước; giới thiệu các DN có nhu cầu đến Lai Châu tìm kiếm hợp tác.

Để có thể mở rộng thị phần quế, hồi Việt Nam tại Hoa Kỳ, TTTM tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng lưu ý, DN cần có chứng nhận FDA (chứng nhận bắt buộc đối với sản phẩm XK sang Hoa Kỳ). Do đó, DN cần bảo đảm nguồn nguyên liệu bền vững, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tăng chế biến sản phẩm tinh.

Bà Nguyễn Thị Điệp Hà - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cũng cho biết, năm 2022, XK quế từ Việt Nam sang Pakistan tăng hơn 200%. Khẳng định đây là thị trường tiềm năng cần phải khai thác, bà Hà lưu ý sản phẩm NK vào Pakistan cần có chứng nhận kiểm dịch thực vật, chứng nhận Halal, riêng sản phẩm qua chế biến phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, bà Hà cũng lưu ý cần khuyến khích phát triển vùng trồng với các loại cây này để giữ ổn định sản lượng cung ứng; thành lập các hội và chi hội ngành hàng tại các địa phương để tránh bị ép giá.


Tác giả: Nhật Thu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan