A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiền rẻ sắp trở lại sẽ chảy trực tiếp vào kênh chứng khoán trong năm 2024

Theo giới tài chính, năm 2024 sẽ có môi trường nới lỏng về tiền tệ và chính sách để hỗ trợ cho nền kinh tế. Dòng tiền này sẽ chảy trực tiếp vào kênh chứng khoán vốn có câu chuyện nâng hạng thị trường và vận hành hệ thống KRX làm nền tảng suốt thời gian qua.

Tiền rẻ sắp trở lại sẽ chảy trực tiếp vào kênh chứng khoán trong năm 2024

Mức tăng trưởng toàn thị trường chứng khoán được kỳ vọng đạt 20,3% vào năm 2024. Ảnh: Đức Mạnh

Tiền rẻ tạo đà cho nỗ lực tăng trưởng

Thị trường chứng khoán trong nước đã có một năm tương đối tích cực trước nhiều rủi ro bất ngờ không lường trước. Theo số liệu thống kê từ FiinTrade, tính đến ngày 5.12.2024, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có hiệu suất tăng trưởng cao nhất năm với tỉ lệ lên đến hơn 28,2%. Xét về nhóm ngành, dịch vụ tài chính dẫn đầu với hiệu suất 75,7%. Nổi bật là các công ty chứng khoán với câu chuyện hưởng lợi từ hệ thống KRX đi vào vận hành và triển vọng nâng hạng thị trường. Ngược lại, bất động sản và thực phẩm - đồ uống đuối sức với lực tăng nhẹ lần lượt 2,8% và 10,2%.

Nhìn sang năm 2024, bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng phòng Phân tích dữ liệu tại FiinGroup - cho biết: "Tính toán dự báo trên báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán từ tháng 11.2023, mức tăng trưởng toàn thị trường được kỳ vọng đạt 20,3% vào năm 2024 dựa trên nền suy giảm hơn 8% của năm 2023. Đây là con số rất cao cần nhiều nỗ lực và thay đổi từ chính sách cũng như bên ngoài để tác động vào".

Một trong những động lực lớn tạo đà cho triển vọng trên, ông Huỳnh Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT CTCP FIDT - cho rằng, sẽ đến từ môi trường tiền rẻ sắp trở lại. Ông nói: "Lúc đầu chúng tôi dự tính dư địa cho chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam chỉ vào khoảng 2 quý trong năm 2024. Nhưng giờ có thể tự tin hơn nói rằng cả năm 2024 sẽ có môi trường nới lỏng về tiền tệ và chính sách để hỗ trợ cho nền kinh tế. "Cửa" trực tiếp của dòng tiền này sẽ là kênh chứng khoán. Bởi hiện tại đã cho thấy có nhiều tín hiệu tích cực, đơn cử như ngành có nhiều chi phí và biên lợi nhuận thấp là các công ty dệt may đã bắt đầu tuyển dụng lao động trở lại".

Theo ông Tuấn, FED đã có dấu hiệu bắt đầu chính sách tiền tệ nới lỏng. Việc ngân hàng trung ương này cắt giảm lãi suất ít nhất 2 lần trong năm sau sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, điểm nhấn còn tới từ việc Ngân hàng Nhà nước sẽ gia tăng mua ròng ngoại tệ dựa trên dòng tiền USD chảy vào Việt Nam (nhờ xuất khẩu có thể thặng dư, FDI và FII đều tăng trưởng). Việc mua ròng sẽ có tác động lan toả lớn hơn nhiều so với bơm tiền dựa trên hệ số nhân.

Thị trường chứng khoán cũng có nhiều động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn khi chính thức đi vào vận hành hệ thống KRX và được nâng hạng. Ngược lại, Nghị định 08 về trái phiếu cần được kéo dài thêm 1 năm nữa, tương tự với Thông tư 02 về giãn hoãn thời gian trả nợ.

6 nhóm ngành hưởng lợi

Vậy trong bức tranh nhiều triển vọng đó, cổ phiếu thuộc nhóm ngành nào sẽ đón sóng? Bà Đỗ Hồng Vân nhấn mạnh 6 cái tên. Cụ thể gồm nhóm công nghệ thông tin; thuỷ sản và dệt may (hưởng lợi nhờ xuất khẩu tích cực trở lại); thép (đầu tư công tăng trưởng, một số dự án bất động sản khởi công trở lại sẽ làm tăng nhu cầu thép).

Bất động sản khu công nghiệp gắn liền với câu chuyện chuyển dịch dòng vốn từ nền kinh tế lớn chảy sang. Đặc biệt trong thời gian qua, các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã tích cực có các chuyến công du để tìm kiếm những cơ hội hợp tác và tăng trưởng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý lựa chọn những đơn vị có nguồn đất sạch hơn là đã có sự tăng trưởng trước đây, quỹ đất không còn quá nhiều.

Ngoài ra, bà Vân cũng dự báo nhóm khai thác đá có tiềm năng nhờ câu chuyện đầu tư công được chú trọng.


Tác giả: ĐỨC MẠNH
Nguồn:https://laodong.vn/tien-te-dau-tu/tien-re-sap-tro-lai-se-chay-truc-tiep-vao-kenh-chung-khoan-trong-nam-2024-1281925.ldo Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan