Triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm, nhiều nước có thể rơi vào suy thoái
Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 7/7 cho biết triển vọng nền kinh tế toàn cầu đã trở nên u tối hơn, đặc biệt là kể từ tháng 4 năm nay. Bà không loại trừ khả năng suy thoái toàn cầu vào năm tới. Trong khi đó, các nhà kinh tế cũng dự đoán suy thoái sẽ diễn ra tại nhiều nước.
IMF hạ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nói với Reuters rằng quỹ sẽ hạ dự báo năm 2022 cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần thứ ba trong năm nay, từ mức 3,6% đưa ra hồi tháng 4. Quỹ đang tiếp tục cập nhật số liệu và dự kiến sẽ công bố dự báo mới cho năm 2022 và 2023 vào cuối tháng 7, sau khi cắt giảm dự báo gần một điểm phần trăm hồi tháng 4.
Lãnh đạo IMF nói với Reuters rằng: “Triển vọng kinh tế kể từ lần dự báo cuối cùng của chúng tôi vào tháng 4 đã tối đi đáng kể” với lý do lạm phát lan rộng kéo theo các đợt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, tăng trưởng Trung Quốc chậm lại và các lệnh trừng phạt leo thang liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Bà cũng không loại bỏ khả năng kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái. “Rủi ro đã tăng lên, chúng tôi không loại trừ khả năng đó”, bà nói.
Dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy một số nền kinh tế lớn, bao gồm cả Trung Quốc và Nga, đã phân mảnh trong quý II, thậm chí rủi ro còn cao hơn trong năm 2023, Giám đốc IMF nhận định. “Một năm 2022 sẽ rất khó khăn, nhưng 2023 thậm chí có khả năng còn thách thức hơn với rủi ro suy thoái cực kỳ cao”.
Tình hình khiến các nhà đầu tư lo ngại khi một phần quan trọng của đường cong lợi suất Kho bạc Mỹ bị đảo chiều trong ngày thứ 2 liên tiếp trong phiên 6/7. Đây là một chỉ báo đáng tin cậy cho thấy suy thoái đang xuất hiện.
Bà Georgieva cho biết việc thắt chặt các điều kiện tài chính trong thời gian dài hơn sẽ làm phức tạp triển vọng kinh tế toàn cầu, nhưng nhấn mạnh rằng nhiệm vụ quan trọng là phải kiểm soát được giá cả tăng vọt. Đại diện IMF cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể là “cái giá cần thiết phải trả” cho nhu cầu vô cùng cấp bách là khôi phục sự ổn định giá cả.
Nhiều nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái
Theo nhà kinh tế trưởng tại công ty môi giới Nomura (công ty môi giới hàng đầu Nhật Bản), nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới khi các ngân hàng trung ương mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lại lạm phát gia tăng.
“Ngay bây giờ các ngân hàng trung ương tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất: giảm lạm phát, và họ phải tích cực sử dụng vũ khí cơ bản là chính sách tiền tệ”, Rob Subbaraman, nhà kinh tế trưởng Nomura nói với với CNBC vào hôm 6/7.
Ông nói thêm: “Chúng tôi đã dự báo trong vài tháng gần đây về rủi ro suy thoái và bây giờ, chúng ta đang chứng kiến nhiều nền kinh tế phát triển đang đứng trước bờ vực suy thoái”. “
Ngoài Mỹ, Nomura cũng cảnh báo suy thoái ở khu vực đồng euro, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Canada vào năm tới.
Ông Subbaraman cho biết, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã duy trì “chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo” quá lâu thúc đẩy chi tiêu quá mức, giờ đây, chính phủ phải vật lộn để giành lại quyền kiểm soát giá. Chuyên gia kỳ vọng rằng lạm phát sẽ chỉ là tạm thời.
“Khi nền kinh tế suy yếu, nền kinh tế không thể dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng nguy cơ suy thoái rất thực tế và nhiều khả năng sẽ xảy ra", ông Subbaraman lý giải.
Dự báo suy thoái Mỹ: nông nhưng dài, FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất
Đối với Mỹ, Nomura dự báo một cuộc suy thoái nông nhưng kéo dài trong 5 quý bắt đầu từ quý cuối cùng của năm 2022. “Nước Mỹ sẽ rơi vào suy thoái , bắt đầu từ quý IV năm nay. Đó sẽ là một cuộc suy thoái nông nhưng dài, có thể diễn ra trong 5 quý liên tiếp”, chuyên gia Subbaraman nhận định.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đang tìm cách kiềm chế lạm phát kỷ lục bằng việc tăng lãi suất. Hồi tháng 6, FED đã tăng lãi suất thêm 0,75% lên phạm vi 1,5% - 1,75%. Thống đốc Jerome Powell cảnh báo một đợt tăng nữa lên 50 hoặc 75 điểm cơ bản trong tháng 7. Ông Subbaraman cũng dự báo rằng FED sẽ tiếp tục thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ khi lạm phát đang ở mức cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
“Chúng tôi dự đoán FED sẽ tăng 75 điểm cơ bản vào tháng 7 và sau đó là 50 điểm cơ bản vào cuộc họp tiếp theo,” nhà kinh tế nói, "Sau đó là một loạt đợt tăng 25 điểm cơ bản cho đến khi FED nâng mức lãi suất lên 3,75% vào tháng 2 năm sau."
Rủi ro tiềm ẩn với các nền kinh tế quy mô trung bình
Trong nghiên cứu, công ty Nomura cũng cảnh báo rủi ro đối với các nền kinh tế có quy mô trung bình như Australia, Canada và Hàn Quốc. Các nước này từng chứng kiến những đợt bùng nổ trên thị trường nhà ở gắn liền với hoạt động đi vay nợ. Theo công ty Nomura, các nền kinh tế trên sẽ có nguy cơ suy thoái sâu hơn dự báo nếu lãi suất tăng cao ảnh hưởng đến thị trường bất động sản và doanh nghiệp địa ốc.
"Trung Quốc có khả năng hồi phục khỏi suy thoái cho dù nước này tiếp tục áp dụng chính sách chống Covid-19 nghiêm ngặt như phong tỏa", nghiên cứu nêu rõ.
Ông Subbaraman cũng cảnh báo: “Nếu các ngân hàng trung ương không thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát ngay bây giờ, thì nỗi đau đối với nền kinh tế khi lạm phát cao hơn sẽ càng lớn hơn”.