A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

UOB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong năm 2025

Kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng mạnh trong năm 2025 nhờ vào các yếu tố kích thích kinh tế trong nước qua đầu tư công và tăng trưởng tín dụng, cũng như kỳ vọng vào phục hồi tiêu dùng trong nước và khu vực bất động sản.

 

ktxh-10.2021.jpg

Ảnh minh họa

Nhận định trên được các chuyên gia đưa ra tại Sự kiện “Cập nhật thị trường: Triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam 2025”, vừa được Ngân hàng UOB Việt Nam tổ chức.

Tại sự kiện, các chuyên gia từ UOB và Công ty cổ phần quản lý quỹ UOB Asset Management Việt Nam (UOBAM Việt Nam) đã cung cấp những nhận định đa chiều về tình hình kinh tế vĩ mô, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 trước những thách thức về thuế quan thương mại dưới chính quyền Trump 2.0, dự báo về tăng trưởng GDP, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), triển vọng thị trường chứng khoán và chiến lược đầu tư trong năm 2025.

Theo các chuyên gia, kinh tế thế giới dự báo sẽ đối diện nhiều bất ổn từ những chính sách khó đoán định của Tổng thống Mỹ Donal Trump. Cuộc chiến thuế quan dưới chính quyền Trump 2.0 có khả năng làm dấy lên căng thẳng và gián đoạn Thương mại toàn cầu, ảnh hưởng đến các quốc gia có mức độ mở cao về thương mại như Việt Nam. Tuy nhiên, với cam kết mạnh mẽ của chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cùng với các động lực mạnh mẽ đến từ dòng vốn FDI liên tục tăng, đầu tư công mở rộng, cơ hội từ ngành bán dẫn, kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng tích cực trong năm 2025.

Cơ hội và thách thức

Nhận định về kinh tế Việt Nam, ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Đầu tư UOB Asset Management Việt Nam cho biết, Kinh tế Việt Nam dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2025 nhờ vào các yếu tố kích thích kinh tế trong nước qua đầu tư công và tăng trưởng tín dụng cũng như kỳ vọng vào phục hồi tiêu dùng trong nước và khu vực bất động sản.

Cụ thể, Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt kế hoạch đầu tư công trong năm 2025 khoảng 875.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 36 tỷ đô la Mỹ), tăng mạnh so với số thực giải ngân năm 2024 là 568.000 tỷ đồng đã và đang tạo động lực thúc đẩy đầu tư khu vực công, làm gia tăng niềm tin đối với các lĩnh vực kinh tế khác cùng hướng đến sự phát triển.

Mặc dù vậy, ông Lê Thành Hưng cũng đặt vấn đề về tác động đối với kinh tế Việt Nam trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Donald Trump với 2 mối quan tâm chính, đó là: doanh thu xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nếu Mỹ áp thuế lên các mặt hàng từ Việt Nam; áp lực lên tỷ giá USD/VND khi đồng USD liên tục tăng mạnh. Mối quan tâm này xuất phát từ việc Mỹ đang là đối tác thương mại có kim ngạch thương mại song phương đứng thứ 2 (sau Trung Quốc) của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu) và có thâm hụt thương mại lớn nhất với Việt Nam.

Trước động thái Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn sử dụng chính sách thuế như một công cụ để đưa các bên vào bàn đàm phán nhằm thỏa thuận có lợi hơn cho Mỹ, ông Hưng nêu ra một số giải pháp từ Việt Nam để hạn chế tác động tiêu cực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu chính phủ đề ra. Theo đó, Việt Nam cần tăng cường nhập khẩu từ Mỹ như khí thiên nhiên hóa lỏng, máy bay, nông sản… để giảm thặng dư thương mại với Mỹ. Song song đó, chúng ta cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng nội tại như tăng đầu tư công vào các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng, tăng tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để tăng nguồn vốn cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần mở rộng quan hệ đa phương, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Ông Hưng nhận định kế hoạch đầu tư công của Việt Nam năm 2025 vẫn tiếp tục được duy trì với nhiều dự án trọng điểm như dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam (tổng vốn 67,3 tỷ USD; năm 2027 khởi công); Sân bay Quốc tế Long Thành (tổng vốn 16 tỷ USD, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2025), Nhà máy điện hạt nhân…

Cũng theo đại diện UOBAM (Việt Nam), ngành công nghệ cao chính là động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam giai đoạn 2025 - 2050. Theo đó, trước việc Mỹ hạn chế công nghệ bán dẫn từ Trung Quốc sẽ mang đến nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này trên đường dài trong 25 năm tới.

Triển vọng ngành bán dẫn Việt Nam là khả quan bởi hiện đã có một số doanh nghiệp bán dẫn lớn trên thế giới mong muốn đầu tư vào Việt Nam như: dự án Amkor Technology với tổng vốn 1,6 tỷ USD; dự án Marvell and Synopsys; dự án Hana Micron vốn 1 tỷ USD và Samsung cam kết đầu tư thêm 2,6 tỷ USD vào lĩnh vực bán dẫn ở Việt Nam.

Thị trường chứng khoán tiếp tục duy trì gam màu tươi sáng

Ở góc nhìn toàn cảnh, ông Abel Lim, Giám đốc Tư vấn và Chiến lược Quản lý tài sản, Ngân hàng UOB (Singapore) cho biết, triển vọng của thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn tích cực, dù có thể xuất hiện biến động nhiều hơn do những bất ổn trong chính sách của Mỹ. Hiệu suất của các thị trường chứng khoán riêng lẻ có thể khác nhau, vì chính sách thương mại của Mỹ sẽ có tác động khác nhau đến từng quốc gia. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc chiến lược trung bình giá (dollar-cost averaging) để giảm thiểu rủi ro từ biến động thị trường.

Ông Abel Lim khuyến nghị các nhà đầu tư xây dựng danh mục đầu tư đa dạng bằng cách phân bổ vốn vào nhiều loại tài sản, khu vực và ngành nghề khác nhau và duy trì sự linh hoạt và chủ động để tận dụng các cơ hội đầu tư chiến thuật. Trong đó, vàng có thể đóng vai trò là tài sản đa dạng hóa và hàng rào phòng vệ trước nguy cơ tăng trưởng kinh tế chậm lại và những bất ổn trên thị trường.

Đối với Việt Nam, ông Lê Thành Hưng nhận định, triển vọng thị trường chứng khoán của Việt Nam năm 2025 tiếp tục duy trì gam màu tươi sáng bởi nhiều yếu tố hỗ trợ như: tiêu dùng nội địa và chính sách mở rộng đầu tư công, xu hướng phát triển công nghệ cao và chuyển đổi số nhanh chóng; lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng trưởng (tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu - EPS) với định giá chiết khấu (P/E và P/B) là yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường; hệ thống giao dịch chứng khoán mới KRX dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 5/2025; tiềm năng nâng hạng thị trường Việt Nam lên thị trường mới nổi năm 2025 bởi FTSE giúp định giá P/E tiệm cận hơn với mức thị trường mới nổi.

Dự báo của UOBAM (Việt Nam) cũng đưa ra kịch bản lạc quan nhất cho các chỉ số quan trọng nói trên như: thu nhập trên mỗi cổ phiếu EPS sẽ tăng trưởng 20% trong năm 2025, chỉ số P/E tăng 15%, VN-Index tăng trưởng 21,3%…

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi thì yếu tố rủi ro với thị trường chứng khoán năm nay sẽ nằm ở áp lực tỷ giá và áp lực thuế quan Mỹ sẽ tác động tiêu cực lên tâm lý thị trường và nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng.

Theo ông Hưng, Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh từ đầu qúy II/2023 và trong cả năm 2024 do thị trường Mỹ tăng vượt trội so các thị trường khác và đồng USD mạnh lên. Ngoài ra trong thời gian dài, thị trường Việt Nam không có một đợt IPO lớn để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.

Về chiến lược đầu tư năm 2025, đại diện UOBAM (Việt Nam) nhận định tích cực về triển vọng của nhóm ngành tài chính và bất động sản khu công nghiệp. Ngành Ngân hàng với tỷ trọng cao nhất trong VN-Index vẫn sẽ là ngành dẫn dắt chỉ số. Tăng trưởng tín dụng cao năm 2025 là động lực cho ngành Ngân hàng năm nay.

Đoàn Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật