A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ giảm sâu, đa dạng hóa thị trường là 'cứu cánh'?

Doanh nghiệp thủy sản đang bị áp lực vì thị trường tiêu thụ lớn nhất là Mỹ đang lao dốc, tồn kho nhiều, lạm phát cao... Tuy nhiên, cơ hội là vẫn còn tại các thị trường ngách.

Thủy sản xuất khẩu "ngấm đòn" lạm phát

Trong bối cảnh lạm phát liên tục duy trì ở mức cao suốt nhiều tháng, người dân Mỹ đã tính tới việc cắt giảm chi tiêu cả những mặt hàng giá trị thấp, mua ít hàng tạp hóa không thiết yếu hơn, mua số lượng lớn và các sản phẩm không có thương hiệu và tập trung vào các mặt hàng chủ lực. 

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tình trạng thắt chặt chi tiêu tại thị trường này khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ giảm sâu 51% trong tháng 4, khiến Mỹ rớt xuống vị trí thứ 3 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản, sau Nhật Bản và Trung Quốc. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ ước đạt 418 triệu USD, giảm trên 57% so với cùng kỳ.

 Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ trong tháng 3 giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn: Vasep

Với mặt hàng cá ngừ, hiện đa phần các sản phẩm đều giảm so với cùng kỳ, trừ cá ngừ hấp đông lạnh (mã HS16) tăng 20%. So với cùng kỳ năm trước, giá trung bình xuất khẩu nhóm mặt hàng này giảm 20%.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu cá ngừ của Mỹ trong 2 tháng đầu năm 2023 cũng đang giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Mỹ có xu hướng giảm nhập khẩu cá ngừ từ các nước châu Á như Thái Lan, Việt Nam hay Indonesia, tăng nhập khẩu cá ngừ từ các nước trong cùng khu vực như Mexico hay Ecuador.

Việt Nam vẫn đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 2 cho thị trường Mỹ sau Thái Lan, Indonesia. Thị phần của Việt Nam tại thị trường cá ngừ Mỹ trong 2 tháng đầu năm 2023 đã bị thu hẹp từ 21% xuống còn 11%.

Tính đến hết tháng 3/2023, cá ngừ của Việt Nam đã xuất khẩu được sang hơn 85 thị trường trên thế giới. Trong đó Mỹ, Israel, Nhật Bản, Đức, Hà Lan và Thái Lan là 6 thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam, chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2023.

Hiện tại, giá cá ngừ nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng cao lên mức đỉnh, kéo theo giá cá ngừ trong nước tăng. Điều này đang khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, lượng tồn kho tại một số thị trường lớn như các nước EU vẫn ở mức cao, có thể kéo dài tới 2-3 tháng tới. Do đó, nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường này sẽ vẫn thấp trong quý tới. Và dự kiến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong quý II/2023 vẫn khó có thể tăng so với cùng kỳ.

Với các mặt hàng khác, việc hai thị trường chính đi xuống cũng tác động khiến kim ngạch xuất khẩu đi xuống. Với cá tra, doanh số xuất khẩu đạt chưa đầy 600 triệu USD trong 4 tháng đầu năm nay, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu tôm cũng bị tác động mạnh bởi sụt giảm sang thị trường tiêu thụ lớn nhất là Mỹ. Tính đến hết tháng 4, giá trị xuất khẩu tôm đạt trên 891 triệu USD, giảm 44%.

 Nguồn: Vasep

Sản xuất sẵn sàng ngay khi thị trường hồi phục

Không chỉ riêng xuất khẩu thủy sang Việt Nam giảm mạnh tại thị trường Mỹ, theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa với các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều giảm. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 28,45 tỷ USD, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 21% so với cùng kỳ. 

Trong bối cảnh các thị trường chính gặp nhiều khó khăn, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động thay đổi, đa dạng hoá và nhận định đúng vị thế thị trường. Hai thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản đều có giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức độ sụt giảm ít hơn so với Mỹ, Trung Quốc. Xuất khẩu tôm sang những thị trường này giảm được bù đắp bằng doanh thu từ hoạt động gia công chế biến xuất khẩu các mặt hàng hải sản cho các nhà chế biến, kinh doanh hải sản nước ngoài.

"Hiện Việt Nam đang duy trì vị thế hàng đầu ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Australia. Bên cạnh đó, ngành cũng đang nâng cao thị phần ở EU (đang thứ hai về xuất khẩu tôm sang EU sau Ecuador) và từng bước nâng cao sản lượng để cạnh tranh với các đối thủ.

Việt Nam cũng nỗ lực duy trì thị phần ở Trung Quốc. Nước này chủ yếu nhập tôm sơ chế về chế biến tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó, ngành cần duy trì thị phần ở Mỹ, tập trung vào chế biến sâu. Hiện thị phần của Việt Nam tại Mỹ khoảng 10%" - Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) chia sẻ với báo chí. 

Về phía doanh nghiệp, đại diện Sao Ta cho biết, công ty cũng có những chiến lược sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh mới như chấp nhận bán với giá thấp hơn để giữ thị trường với hy vọng vượt qua thách thức đang diễn ra.

Với những diễn biến khó khăn trong quý I, ông Trương Đình Hòe  - Tổng thư ký VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ có thể hồi phục dần từ quý III/2023. Tập trung lớn nhất hiện nay là sản xuất, chế biến trong nước phải sẵn sàng nguồn cung ứng ngay khi thị trường hồi phục.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật