A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gỡ nút thắt trong xử lý tài sản công bỏ hoang

Nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch, phê duyệt phương án xử lý trụ sở công dôi dư sau sáp nhập. Tuy nhiên, quá trình thực thi lại vướng từ cơ chế, quy hoạch cho đến giấy tờ pháp lý - khiến hàng trăm công trình vẫn phơi mưa nắng giữa lòng đô thị.

Gỡ nút thắt trong xử lý tài sản công bỏ hoang

Nhiều trụ sở cũ bỏ không ở Quảng Trị chưa xử lý được. Ảnh: Hưng Thơ

Nút thắt từ cơ chế, quy hoạch và cả lòng dân

Tại tỉnh Thanh Hóa, nơi ghi nhận hơn 500 trụ sở công, nhà đất bị bỏ trống trong giai đoạn 2019 - 2021, bài toán xử lý tài sản công dôi dư đã được đặt ra từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, đến nay, kết quả vẫn rất hạn chế.

Theo Phòng Tài chính - Kế hoạch UBND TP Thanh Hóa, tính đến cuối năm 2024, toàn thành phố còn hơn 90 cơ sở nhà đất công không sử dụng. Trong đó, có 5 cơ sở nằm trong khu vực các dự án treo, 22 cơ sở đang chờ bàn giao, 24 cơ sở đã phê duyệt phương án bán nhưng chưa bán được, còn lại 40 cơ sở vướng điều chỉnh quy hoạch xây dựng.

“Đụng đâu cũng vướng”, đó là chia sẻ của một cán bộ phụ trách tài sản công cấp thành phố. Có nơi không thể xác định được nguồn gốc sử dụng đất vì lịch sử quá lâu đời; có nơi người dân từng hiến đất, góp tiền xây dựng nay lại đòi trả đất hoặc đòi đền bù tài sản.

“Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch đấu giá một số nhà văn hóa cũ, nhưng người dân đến phản đối, yêu cầu giữ lại làm nơi sinh hoạt cộng đồng vì trước đây họ hiến đất và công sức xây dựng. Nếu không thỏa đáng, sẽ nảy sinh khiếu kiện kéo dài”, vị này nói.

Sự thiếu rõ ràng về pháp lý, cộng với việc không có hướng dẫn chi tiết từ Trung ương về các trường hợp đặc thù khiến nhiều trụ sở công phải “nằm chờ” - dù địa phương muốn bán, chuyển đổi hay cho thuê.

Tại TP Huế, tình trạng “chôn chân” các trụ sở công tại những khu đất vàng cũng không khả quan hơn. Nhiều cơ sở nằm dọc sông Hương - nơi có quy hoạch làm du lịch, thương mại - nhưng chưa thể đấu giá do chưa hoàn tất thủ tục hạ giải công trình, chưa định giá tài sản còn lại, hoặc chưa làm sạch mặt bằng.

Ông Trần Hữu Thùy Giang - Chánh Văn phòng UBND TP Huế - cho biết, thành phố đang nghiên cứu hạ giải một số công trình không phù hợp quy hoạch để tạo quỹ đất sạch, từ đó đưa vào kế hoạch đấu giá tổng thể với mức định giá tài sản còn lại hợp lý. Mục tiêu là để nhà đầu tư có thể tính toán được chi phí, tránh tâm lý e ngại vì phải trả một lần tiền thuê đất quá lớn cho thời gian sử dụng 50 năm.

“Chúng tôi đã ghi nhận một số nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm sau khi TP cam kết tháo gỡ rào cản và tạo mặt bằng sạch. Tuy nhiên, muốn triển khai nhanh thì cần sự phối hợp quyết liệt giữa các sở, ngành và cả sự đồng thuận của người dân”, ông Giang nhấn mạnh.

Trụ sở cũ của Viện KSND tỉnh Nghệ An trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP Vinh) hiện vẫn chưa bàn giao về cho tỉnh quản lý. Ảnh: Quang Đại

Trụ sở cũ của Viện KSND tỉnh Nghệ An trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP Vinh) hiện vẫn chưa bàn giao về cho tỉnh quản lý. Ảnh: Quang Đại

Chưa có sổ đỏ, chưa thể xử lý

Tại Quảng Trị - tỉnh đang bước vào giai đoạn chuẩn bị sáp nhập cùng Quảng Bình - bài toán trụ sở công dôi dư lại càng trở nên cấp thiết.

Thống kê, toàn tỉnh hiện có 2.615 cơ sở nhà, đất thuộc tài sản công. Trong đó, có đến 702 cơ sở (tương đương gần 27%) chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đặc biệt, khối các đơn vị sự nghiệp công lập đang có tới 62 trụ sở bỏ không, không còn nhu cầu sử dụng.

Các địa phương như Triệu Phong, Gio Linh, Cam Lộ, Đakrông đều có hơn 10 trụ sở bỏ hoang. Đại diện Sở Tài chính tỉnh thông tin, việc thiếu sổ đỏ dẫn đến khó khăn trong đấu giá công khai, chuyển nhượng quyền sử dụng hoặc thậm chí là cho thuê.

“Không thể định giá, không thể cấp phép xây dựng mới, không thể mời gọi đầu tư... nếu đất chưa có giấy tờ pháp lý”, một cán bộ thẳng thắn nói.

Dù UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 2822/QĐ-UBND ngày 21.11.2024, phê duyệt phương án xử lý 70 trụ sở dôi dư theo hướng bán tài sản và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhưng đến nay chưa triển khai đấu giá do vướng khâu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất.

Theo lộ trình, tỉnh đã xử lý được 2.229 cơ sở - đạt tỉ lệ 95,17%. Trong đó, đa số là giữ lại sử dụng, điều chuyển cho đơn vị khác hoặc tạm giữ. Tuy nhiên, phần khó nhất vẫn là số ít còn lại - nơi pháp lý rối rắm, quy hoạch chồng chéo hoặc liên quan đến tranh chấp cộng đồng.

Đề án sắp xếp tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị thành một tỉnh mới chỉ rõ, sau khi hợp nhất, toàn tỉnh sẽ có 810 trụ sở làm việc. Trong số đó, dự kiến chỉ còn sử dụng 729 trụ sở; 79 trụ sở còn lại sẽ bị dôi dư.

Dự kiến, việc rà soát tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công sẽ được tiến hành đồng bộ với xây dựng cơ cấu tổ chức mới. Đối với các trụ sở dôi dư, tỉnh mới sẽ áp dụng linh hoạt các hình thức: Chuyển đổi công năng, thu hồi cho thuê, hoặc bàn giao cho tổ chức có chức năng khai thác.

Đặc biệt, với các trụ sở nằm tại trung tâm TP Huế hoặc các khu phát triển du lịch, tỉnh sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư bằng hình thức đấu giá quỹ đất sạch - sau khi hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và giải quyết pháp lý.

Theo quy định, tỉnh mới có 5 năm kể từ ngày hoàn tất sắp xếp hành chính để xử lý toàn bộ tài sản công dôi dư. Tuy nhiên, nếu không quyết liệt, bài toán lãng phí sẽ tiếp tục kéo dài như một vòng luẩn quẩn - nơi ngân sách thì cạn dần, mà hàng trăm ngôi nhà vẫn cửa đóng then cài.

Dù các địa phương đã nỗ lực xử lý tài sản công dôi dư, nhưng để giải quyết dứt điểm hàng trăm trụ sở bỏ hoang, cần cơ chế mạnh từ Trung ương: sửa luật, thống nhất quy định, phân quyền rõ ràng và khuyến khích sử dụng lại hiệu quả. Nếu không xóa bỏ những “vết loang” này, chúng sẽ tiếp tục làm xấu bộ mặt đô thị và xói mòn niềm tin vào năng lực quản lý, sử dụng tài sản công.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật