Huyện Quốc Oai: Sẵn sàng các phương án khi có mưa lũ lớn
Trước tình hình mưa lũ phức tạp, UBND huyện Quốc Oai đã lên phương án, sẵn sàng ứng phó khi có mưa lớn gây ngập úng trên địa bàn.
Thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3
Theo Báo cáo về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và công tác chuẩn bị ứng phó với mưa lũ trên địa bàn huyện Quốc Oai, tính đến 17h30 ngày 10/9, toàn huyện có hơn 3.000 cây xanh bị đổ và gãy cành, 45 nhà ở, công trình bị sập, đổ, gần 700ha lúa bị đổ, ngập, nhiều cây ăn quả, diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại…
Toàn huyện có 6 xã, thị trấn có gia cầm thiệt hại do bão số 3. Cụ thể: Xã Phú Cát có: 4.250 con, xã Tuyết Nghĩa: 525 con, xã Đồng Quang: 1.948 con… Ngoài ra, có 3 cột điện bị hư hỏng, trong đó 1 cột trung thế.
Đoàn viên thanh niên hỗ trợ địa phương và người dân dọn dẹp cây xanh sau cơn bão sỗ 3 |
Một số trường học có phòng học, phòng chức năng bị tốc mái, tường, cổng bị đổ, thiết bị đồ chơi ngoài trời bị hỏng. Sau cơn bão số 3, nhiều tuyến đường trên địa bàn Huyện Quốc Oai bị ngập: cầu Tân Phú, cầu Đại Thành ngập sâu 0,4m; tỉnh lộ 421B (đoạn từ thôn Cấn Thượng đi Đông Yên ngập sâu 0,5m. Tại cầu 72 thuộc địa phận xã Cộng Hòà ngập 0,3m.
Cũng theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTN&TKCN huyện Quốc Oai, bờ đê Ngọc Phúc có hiện tượng bị rạn nứt khoảng 25m. Tính đến 17h30 ngày 10/9, có 6 xã bị ảnh hưởng do mưa lũ gây ngập úng gồm: Cấn Hữu, Phú Cát, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa, Đông Yên, Ngọc Liệp với 555 hộ, 2.471 nhân khấu. Các khu vực bị ngập này vẫn được cấp điện, nước sạch đầy đủ an toàn.
Hôm nay (ngày 10/9) có 100% trường học tổ chức cho học sinh đi học. Riêng trường Mầm non Tuyêt Nghĩa có 1/3 điêm trường cho học sinh nghỉ vì nước bắt đâu ngập vào sân trường.
Khắc phục kịp thời, ổn định đời sống người dân
Ngay sau cơn bão, Thường trực Huyện ủy, Lãnh đạo UBND Huyện trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo khắc phục những hậu quả do cơn bão gây ra, di chuyển các cây xanh bị đổ, đảm bảo giao thông được thông suốt, các hoạt động của người dân được trở lại bình thường.
Áo xanh tình nguyện giúp Nhân dân vệ sinh môi trường |
UBND huyện, Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN Huyện đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương rà soát các công trình xây dựng, chung cư cũ, nhà ở riêng lẻ có nguy cơ mất an toàn, bị tốc mái để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn di dời người dân tới nơi ở an toàn. Xí nghiệp Thủy lợi Quốc Oai chủ động vận hành liên tục trạm bơm tiêu gồm: Thông Đạt; Vĩnh Phúc; Yên Sơn, Cấn Hạ…. Đến nay, về cơ bản các điểm ngập úng trên địa bàn Huyện nước đã rút hết.
Để đảm bảo an toàn cho người dân di chuyển, Tiểu ban đảm bảo an ninh trật tự và giao thông xã Cấn Hữu, Đông Yên đã phân công lực lượng trực, chắn pano khu vực nguy hiểm, phân luồng giao thông, hướng dẫn Nhân dân di chuyển. Các trường học và phụ huynh trên địa bàn Huyện đã và đang xử lý các cây xanh bị nghiêng, gãy, đổ; dọn dẹp, vệ sinh trường, lớp, khắc phục các thiệt hại để đảm bảo điều kiện đón học sinh quay lại trường từ ngày 9/9 theo khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025. Hôm nay (ngày 10/9), 100% các trường tổ chức học sinh đi học.
Đến nay, các tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 21B, những tuyến đường thuộc Thành phố quản lý đã được giải tỏa cây xanh bị đổ gãy, đảm bảo phương tiện lưu thông an toàn. Ban chỉ huy quân sự bố trí lực lượng giúp dân đi lại ở khu vực bị ngập tại xóm Bến Vôi bằng ca nô. Lực lượng công an huyện, xã đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân vùng lũ và tố chức phân luồng an toàn giao thông các tuyến đường bị ngập; tổ chức rà soát, đặt rào chắn 8 cầu không đảm bảo an toàn, không cho các phương tiện qua lại.
Ngoài ra, UBND huyện Quốc Oai cùng các xã đã tổ chức động viên, thăm hỏi và tặng quà cho một sô các hộ dân bị ngập.
Sẵn sàng các kế hoạch khi có mưa lũ
Cùng với các lực lượng chức năng, đoàn viên thanh niên cũng luôn ứng trực để hỗ trợ đảm bảo sự an toàn cho người dân trước, trong và sau cơn bão số 3 |
Trước tình hình thời tiết, thiên tai đang diễn biến phức tạp, dự báo lượng mưa trên địa bàn huyện Quôc Oai khoảng từ 40mm đến 70mm, để chủ động ứng phó với lũ và mưa lớn có thể xảy ra, Ban chỉ huy PCTT&TKCN Huyện yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn; các cơ quan đơn vị thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình thời tiết, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương.
Các đơn vị triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy; Tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Đối với các xã có sự cố về đê như: Cấn Hữu, Tuyết Nghĩa, Phú Cát, Sài Sơn, Đồng Quang, Tân Hòa, lực lượng chức năng luôn sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu…
Các địa phương chủ động rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết; xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm… chuân bị các địa điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuôc men cho người dân…