A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày này năm xưa 28/7: Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam

Ngày này năm xưa 28/7/1929, tổ chức Công đoàn Việt Nam ra đời, là bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của phong trào công nhân Việt Nam.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương, sự kiện quốc tế và các sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 28/7.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 Hàng Nón - Hà Nội, Hội nghị đại biểu Công hội đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất đã họp. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, thay mặt ban trị sự lâm thời Bắc Kỳ lao động liên hiệp Tổng Công hội báo cáo về tình hình phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam.

Hội nghị quyết định thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, thảo luận và thông qua Điều lệ và chương trình hoạt động của Hội, quyết định xuất bản tờ báo "Lao động" làm cơ quan tuyên truyền, và tạp chí "Công hội đỏ" làm cơ quan lý luận của Hội. Hội nghị bầu ra Ban Chấp hành lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phụ trách. Tiếp sau đó các Tổng Công hội đỏ ở Trung Kỳ, Nam Kỳ được thành lập. Cuối năm 1929 Hội nghị đại biểu các Tổng Công hội đỏ địa phương đã quyết định thống nhất tổ chức và bầu ra Ban Chấp hành chính thức của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ.

Cong đoan
Ngày này năm xưa 28/7: Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam

Qua các thời kỳ cách mạng, Công hội đỏ có nhiều tên gọi khác nhau. Đến ngày 25/6/1983 Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương quyết định lấy ngày 28/7/1929, ngày họp Đại hội thành lập Công hội đỏ đầu tiên làm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Đại Hội đại biểu công đoàn toàn quốc lần thứ 5 vào tháng 11/1983 đã nhất trí thông qua nghị quyết lấy ngày 28/7/1929 làm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.

Ngày 28/7/1969, ngày mất nhà vǎn, nhà sử học, nhà hoạt động Cách mạng Trần Huy Liệu. Ông sinh nǎm 1901 quê ở Vân Cát, Vụ Bản, Nam Định. Các tác phẩm chính của ông là: "Một bầu tâm sự", "Ngục trung ký sự", "Lịch sử Cách mạng cận đại Việt Nam", "Lịch sử 80 nǎm chống Pháp", "Phong trào Cách mạng Việt Nam qua thơ vǎn", "Nguyễn Trãi"...

Ngày 28/7/1995, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gia nhập hiệp hội các nước Đông Nam Á (Viết tắt là ASEAN). Tổ chức này thành lập nǎm 1967 với 5 thành viên là: Indonesia, Malaysia, Philippin, Thái Lan và Singapore.

Ngày 28/7/2003, Chính phủ ban hành Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Ba Lan về hợp tác chống tội phạm có tổ chức.

Ngày 28/7/2004, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định của Bộ Công nghiệp về việc chuyển Công ty Kim loại màu Nghệ Tĩnh thành Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên Kim loại màu Nghệ Tĩnh.

Ngày 28/7/2006, Bộ Thương mại ban hành văn bản điều hành hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ nửa cuối năm 2006.

Ngày 28/7/2009, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 3798/QĐ-BCT về việc phê duyệt Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2009.

Ngày 28/7/2011, Chính phủ ban hành Nghị định 63/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại.

Ngày 28/7/2011, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 108/2011/TT-BTC hướng dẫn sửa đổi, bổ sung quy định về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng trong Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Ngày 28/07/2014, Bộ Công Thương ban hành Quyết định về việc bổ dung Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng vàng, đồng, niken, molipđen Việt Nam đến năm 2015, có xét đến năm 2025.

Ngày 28/07/2017, Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về hoạt động tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa.

Ngày 28/7/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định về việc ban hành Kế hoạch thực hiện “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

Sự kiện quốc tế

Ngày 28/7/1794, Maximilien de Robespierre, một trong những nhà lãnh đạo của Cách mạng Pháp bị xử tử cùng 21 người khác bằng máy chém tại Paris, Pháp.

Ngày 28/7/1804 ngày sinh Ludwig Andreas Feuerbach nhà duy vật nổi tiếng cổ điển Đức trong một gia đình luật sư. Ông tốt nghiệp triết học ở Trường Đại học tổng hợp và tham gia phái Hegel trẻ, nhưng sau đó tách khỏi và xây dựng một hệ thống triết học duy vật của mình. Các tác phẩm triết học nổi tiếng của ông là "Suy nghĩ về cái chết và sự bất tử", "Những nguyên lý của triết học tương lai", "Về bản chất Đạo Cơ đốc". Feuerbach mất ngày 13/9/1872.

Ngày này năm xưa 28/7: Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam
Những hình ảnh về Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Ảnh tư liệu

Ngày 28/7/1914, Áo – Hungary tuyên chiến với Secbia, mở đầu cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) giữa phe Liên Minh (Đức, Áo, Hung, Thổ Nhĩ Kỳ...) với phe Hiệp ước (Anh, Pháp, Nga, sau thêm Mỹ, Nhật...).

Ngày 28/7/1942, lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin ra bản Mệnh lệnh số 227 với nội dung không lùi một bước, theo đó bất kì ai rút lui hoặc rời bỏ vị trí chiến đấu khi không có lệnh của Bộ Tổng chỉ huy sẽ bị xử bắn tại chỗ.

Ngày 28/7/1990, Alberto Fujimori chính thức nhậm chức tổng thống Peru, trở thành người gốc Nhật đầu tiên đứng đầu một nhà nước ở Mỹ Latinh.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 28/7/1922, báo cáo của mật thám cho biết Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc họp của Ủy ban Liên hiệp Công đoàn quận 17 ở Paris.

Ngày này năm xưa 28/7: Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam
Bác Hồ và gia đình ông Raymond Aubrac những ngày ở Pháp. Ảnh tư liệu

Ngày 28/7/1946, nhận lời mời của ông bà Raymond Aubrac, cựu Ủy viên Cộng hòa thành phố Marseille, Nghị sĩ Quốc hội Pháp và cả hai vợ chồng đều là những chiến sĩ chống phát xít nổi tiếng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển từ khách sạn ở trung tâm Paris về ở cùng gia đình ông Aubrac tại một vùng quê ngoại vi cách trung tâm thành phố 10km. “Nhật ký hành trình” viết rằng: “Hai ông bà nghe nói Hồ Chủ tịch muốn về nghỉ mát ở nhà quê, liền viết thư mời. Lúc Cụ Chủ tịch đến, hai vợ chồng ân cần chăm sóc... Về nghỉ ở đây, mọi người thấy khoan khoái dễ chịu lắm...”.

Ngày 28/7/1964, Báo Nhân Dân đăng bài “Ủng hộ cuộc đấu tranh của người Mỹ” của Bác viết với bút danh Chiến Sĩ trong đó nêu rõ: “Đoàn thể người Mỹ da đen đã từng tham gia phong trào chống Mỹ xâm lược miền Nam nước ta. Cố nhiên nhân dân Việt Nam ta đồng tình và ủng hộ người Mỹ da đen đòi tự do, bình đẳng. Tuy màu da khác nhau, người Việt Nam da vàng và người Mỹ da đen đều chống lại kẻ thù chung là đế quốc Mỹ hung ác và chắc chắn rằng chính nghĩa nhất định sẽ thắng, nhân dân miền Nam nhất định sẽ thắng, anh em người Mỹ da đen nhất định sẽ thắng!” .

Ngày 28/7/1965, Bác viết bài “Phải sẵn sàng phòng chống bão lụt” đăng trên Báo Nhân Dân nhắc nhở “Người xưa có câu “thủy, hỏa, đạo, tặc”. Nghĩa là phải đề phòng lụt như đề phòng giặc. Chúng ta kịp thời chuẩn bị đầy đủ sẵn sàng, thì dự báo lụt to mấy cũng không sợ. Tuyệt đối không nên chờ nước đến chân mới nhảy”.

Cùng ngày, trả lời phỏng vấn của các nhà báo Cuba, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích những chính sách của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam và khẳng định “Đó là cái vòng luẩn quẩn đang tròng vào cổ đế quốc Mỹ làm cho họ cuối cùng sẽ thất bại hoàn toàn ở Việt Nam” .

Ngày 28/7/1967, phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị về vấn đề trao trả tù binh Mỹ, Bác chỉ đạo: “Có thể thả một số vào dịp Noel hoặc 2/9” nhưng không nên nghĩ vì thế mà Mỹ không đánh đê điều.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan