A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày này năm xưa 8/5: Bổ sung tên gọi Báo Công nghiệp thành Báo Công nghiệp Việt Nam

Ngày này năm xưa 8/5: Bổ sung tên gọi Báo Công nghiệp thành Báo Công nghiệp Việt Nam; Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương và quốc tế ngày 8/5; các sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 8/5/1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64 về việc tổ chức các cơ quan lao động trong cả nước. Nhiệm vụ của các cơ quan này là bảo đảm và bênh vực quyền lợi cho công nhân; dung hoà quyền lợi giữa chủ và thợ, kiểm soát việc thi hành các luật lệ về lao động, giải quyết các vấn đề về lao động và phân phát nhân công cho các ngành.

Ngày 8/5/1950: Tổng thống Mỹ ký quyết định chính thức viện trợ quân sự cho thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Ngày này được coi như mốc đánh dấu sự dính líu của Mỹ vào Việt Nam.

Ngày 8/5/1954: Chỉ một ngày sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội nghị Geneve về Đông Dương đã khai mạc. Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị. Tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Đồng đã trình bày lập trường Tám điểm với nội dung chủ yếu là: đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, vấn đề Lào và vấn đề Campuchia, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương. Trải qua 75 ngày đêm đàm phán với 31 phiên họp cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, cuối cùng, ngày 20-7-1954, Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được ký kết.

Ngày này năm xưa 8/5: Bổ sung tên gọi Báo Công nghiệp thành Báo Công nghiệp Việt Nam

Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Thụy Sỹ dự Hội nghị Geneva về Đông Dương, tháng 5-1954. Ảnh tư liệu
Ngày này năm xưa 8/5: Bổ sung tên gọi Báo Công nghiệp thành Báo Công nghiệp Việt Nam
Toàn cảnh Hội nghị Geneva về Đông Dương tại Thụy Sĩ (1954). Ảnh tư liệu

Ngày 8/5/1960: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II trên toàn miền Bắc.

Ngày 8/5/1969: Trong phiên họp toàn thể lần thứ 16 của Hội nghị Paris về vấn đề Việt Nam, đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã đưa ra giải pháp toàn bộ mười điểm về lập trường, nguyên tắc giải quyết hòa bình vấn đề miền Nam Việt Nam.

Từ ngày 8 đến 11/5/1978: Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ tư diễn ra tại Hà Nội. Đây là Đại hội đầu tiên của phong trào công đoàn Việt Nam sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất và tổ chức Công đoàn hai miền Nam Bắc đã được thống nhất.

Ngày 8/5/1978: Ngày truyền thống Viện Kỹ thuật Phòng không-Không quân (Quân chủng Phòng không-Không quân); Viện Kỹ thuật Hải quân và Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân (Quân chủng Hải Quân).

Ngày 8/5/1996: Bộ Công nghiệp ra Quyết định số 1206/1996/QĐ-BCN về việc bổ sung tên gọi Báo Công nghiệp thành Báo Công nghiệp Việt Nam

Ngày 8/5/2000: Bộ Công nghiệp ra Quyết định số 02/2000/TT-BCN về việc hướng dẫn xuất khẩu, nhập khẩu khoáng sản hàng hoá năm 2000.

Ngày này năm xưa 8/5: Bổ sung tên gọi Báo Công nghiệp thành Báo Công nghiệp Việt Nam
Một góc khu công nghiệp Dung Quất

Ngày 8/5/2001, Bộ Thương mại ra Quyết định số 0467/2001/QĐ-BTM quyết định về việc uỷ quyền Ban quản lý khu công nghiệp Dung Quất quản lý hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động thương mại của các doanh nghiệp khu công nghiệp.

Ngày 8/5/2007, Bộ Công nghiệp ra Quyết định số 18/2007/QĐ-BCN phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đến năm 2010.

Ngày 8/5/2013, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2910/QĐ-BCT về việc bổ sung Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng vàng, đồng, niken, molipđen Việt Nam đến năm 2015, có xét đến năm 2025.

Ngày 8/5/2014, Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch số 3869/KH-BCT hực hiện Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về Phát triển bền vững giai đoạn 2013 - 2015.

Sự kiện quốc tế

Ngày 8/5/1541: Nhà thám hiểm Tây Ban Nha là Hernando de Soto phát hiện ra lưu vực sông Mississippi, ông gọi sông là Río del Espíritu Santo.

Ngày 8/5/1919: Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

Ngày 8/5/1945 còn được gọi là Ngày Chiến thắng ở châu Âu (tiếng Anh viết tắt: VE Day hoặc V-E Day). Đây là ngày mà quân đội các nước đồng minh chính thức chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của các lực lượng vũ trang nước Đức quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 8/5/1959, trong chuyến đi thăm Khu tự trị Tây Bắc, Bác Hồ dừng lại ở Yên Châu (Sơn La). Trong bài nói với đồng bào các dân tộc, Bác đề cập nhiều việc phải làm để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; nói về tài nguyên rừng, Bác căn dặn: “…Bác đi qua nhiều nơi thấy rừng bị phá rất nhiều. Những cây gỗ to, cao, chặt để đốt hay để cho nó mục nát, không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc của mình bỏ xuống sông... Đồng bào có nên giữ gìn rừng, giữ gìn gỗ không? Có nên đốt bừa đi không? Phải giữ gìn rừng cho tốt. 5 năm, 10 năm nữa, rừng là vàng là bạc, là máy móc cả”.

Ngày này năm xưa 8/5: Bổ sung tên gọi Báo Công nghiệp thành Báo Công nghiệp Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II tại Tiểu khu Trúc Bạch, khu phố Ba Đình, Hà Nội, ngày 8-5-1960. Ảnh tư liệu

Với cán bộ, Bác dặn dò: “Cán bộ từ trên xuống dưới, từ Bác đến cán bộ xã đều là đày tớ của nhân dân, không phải là vua, là quan như ngày trước mà đè đầu cưỡi cổ nhân dân. Tức là cán bộ phải chăm lo cho đời sống của nhân dân...” .

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm Nông trường Mộc Châu. Người trao tặng Nông trường Huân chương Lao động hạng Ba và tự tay gắn Huân chương lên lá quân kỳ Quyết thắng của đơn vị.

Ngày 8/5/1963, tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khoá II, biết tin Quốc hội dự kiến tặng Bác Huân chương Sao Vàng, Bác phát biểu: “Tôi vừa nhận được một tin tức làm cho tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao? Vì Huân chương là để tặng thưởng người có công huân; nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội... Vì những lẽ đó, tôi xin Quốc hội đồng ý thế này: Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình thống nhất, Bắc-Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010)
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan