A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rà soát nhiều nội dung liên quan đến đất đai khi bỏ cấp huyện

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần điều chỉnh 270 văn bản khi bỏ cấp huyện, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến đất đai.

Rà soát nhiều nội dung liên quan đến đất đai khi bỏ cấp huyện

Nhiều nội dung về đất đai cần rà soát khi bỏ cấp huyện. Ảnh: Hữu Chánh

270 văn bản quy phạm pháp luật cần phải sửa đổi

Theo lộ trình đã được thông qua, dự kiến từ ngày 1.7 tới đây, mô hình chính quyền cấp huyện sẽ chính thức kết thúc và thay vào đó là mô hình chính quyền cấp tỉnh với các cấp cơ sở được tổ chức lại.

Thông tin từ Cổng thông tin Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, trong quá trình này, có rất nhiều nội dung quan trọng cần được xem xét, đặc biệt là các quy định pháp lý liên quan đến các lĩnh vực như đất đai, môi trường, chăn nuôi, thú y và một số lĩnh vực khác.

Theo báo cáo của Vụ Pháp chế, hiện có 270 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) quy định liên quan đến đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cần phải sửa đổi, bổ sung như trách nhiệm, thẩm quyền của HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã; hệ thống tổ chức bộ máy thuộc cấp huyện (cơ quan thú y, cơ quan kiểm lâm, kiểm dịch thực vật, trung tâm dịch vụ nông nghiệp).

Chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn cấp huyện như bản đồ hành chính, địa lý; thẩm quyền thanh tra, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính và một số vấn đề khác có liên quan như lĩnh vực đất đai, môi trường, lĩnh vực chăn nuôi - thú y…

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Phạm Tân Tuyến cho rằng, phải làm rõ việc phân chia các nhiệm vụ liên vùng và nhiệm vụ gắn với người dân. Với những vấn đề mang tính chất liên vùng, có tác động rộng lớn hơn cần được báo cáo và đưa lên các cơ quan cấp tỉnh để xử lý.

Trong khi đó, các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến đời sống người dân tại các địa phương sẽ được giao cho các cơ quan chức năng cấp xã, nơi gần gũi nhất với cộng đồng và có khả năng xử lý tình huống kịp thời.

Là đơn vị có nhiều văn bản có liên quan đến thẩm quyền cấp huyện cần phải xử lý, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai - cho biết, đối với lĩnh vực đất đai, việc rà soát không chỉ được tiến hành đối với các nội dung liên quan đến thẩm quyền cấp huyện mà còn liên quan đến thẩm quyền của cấp xã vì có nhiều quy trình thực hiện thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp có sự tham gia của chính quyền cấp xã.

Đối với các vấn đề phức tạp như thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nếu không nghiên cứu một cách thấu đáo, sẽ gây ra khiếu nại, tố cáo, ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội.

Vì vậy, Cục cũng đã rà soát và tham mưu triển khai các giải pháp để kiểm soát chặt chẽ hơn, đồng thời phải công khai, minh bạch trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp phù hợp với mô hình chính quyền hai cấp.

Thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, trong quá trình triển khai, nếu phát sinh vướng mắc, các đơn vị cần chủ động đề xuất phương án xử lý, đảm bảo hoạt động của cơ quan nhà nước không bị gián đoạn, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc bộ máy theo mô hình mới sẽ đưa ra nhiều vấn đề điều chỉnh thẩm quyền quản lý nhà nước theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn đang được đặt ra. Do vậy, để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, các đơn vị phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi chuyển giao thẩm quyền.

Đối với một số nhiệm vụ có tính chất phức tạp như xử lý giá đất, đăng ký đất đai hay phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường có thể được điều chỉnh ở cấp xã hoặc lên các sở chuyên môn như Sở Nông nghiệp và Môi trường. Việc này nhằm đảm bảo tính chuyên sâu, đồng thời giảm thiểu các bước trung gian không cần thiết.

Bộ trưởng cho hay, việc chuyển đổi từ mô hình ba cấp (xã, huyện, tỉnh) sang hai cấp (xã - tỉnh hoặc xã - sở, ngành cấp tỉnh) không chỉ giúp tinh giản bộ máy mà còn góp phần quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính.

Điều này đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ trong cách thức giải quyết công việc, cắt giảm tối đa các thủ tục không cần thiết và tăng cường liên thông giữa các lĩnh vực như đất đai, nông nghiệp, môi trường, chăn nuôi, thú y.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật