Sở Xây dựng Hà Nội nêu giải pháp sạc điện ở các chung cư cũ khi chuyển xe xăng sang xe điện
Hà Nội không khuyến cáo mang hết xe vào hầm sạc đối với người dân sinh sống ở các khu chung cư cũ khi chuyển đổi xe xăng sang xe điện.
Giao thông được xác định là nguồn chính gây ô nhiễm, việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện là cần thiết. Ảnh: Tô Thế
Tại toạ đàm "Chuyển đổi xe xăng sang xe điện: Để không ai bị bỏ lại phía sau" của báo Tiền Phong, ông Phan Trường Thành - Trưởng Phòng Tài chính đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay số xe máy ở Hà Nội ước lượng 6,9 triệu phương tiện, trong đó khoảng 95% là xe sử dụng xăng. Khi triển khai lộ trình chuyển đổi xe điện trong vành đai 1 sẽ có 9 phường bị tác động trong đó có 6 phường nằm trọn trong vành đai 1.
Theo ông Thành, theo điều tra sơ bộ, trong vành đai 1 có lượng dân cư ổn định khoảng 600.000 dân, với tổng số xe máy tại chỗ khoảng 450.000 phương tiện. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khảo sát sơ bộ số lượng cố định bên trong vành đai 1, chưa kể nhiều đối tượng đi từ bên ngoài vào vành đai 1. Để thực hiện Chỉ thị 20 của Thủ tướng, Hà Nội sẽ triển khai theo lộ trình, kế hoạch cụ thể:
Đầu tiên là khảo sát đánh giá, người dân, đối tượng chịu ảnh hưởng. Chúng ta phải có số liệu đầu vào mới làm được. Hiện đã có chính quyền địa phương 2 cấp, là nơi sâu sát nhất, gần dân nhất, tất cả số liệu điều tra là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Số liệu này cấp bách, cần thiết.
Thứ hai, sau khi có số liệu đầu vào, chúng ta cần hoàn thiện thể chế chính sách. Chúng ta cũng đã có Luật Thủ đô, gắn nội dung này với đề án vùng phát thải thấp đã được Hà Nội đưa ra trước đó. Thứ ba, hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Hạ tầng ở đây có 2 nhóm là giao thông vận tải nói chung và giao thông công cộng. Đây là yếu tố cốt lõi, Hà Nội không khuyến cáo người dân tiếp tục đi xe máy.

Thứ tư, xây dựng tiêu chuẩn khí thải cho xe máy và xác định có kiểm định khí thải xe máy hay không. Trong Chỉ thị 20, Thủ tướng cũng có yêu cầu quan trọng là Bộ Xây dựng sớm ban hành tiêu chuẩn về khí thải cho xe cơ giới. Cuối cùng là công tác tuyên truyền, cùng với các cơ quan báo chí, truyền thông, sự tâm huyết của các nhà khoa học sẽ giúp lộ trình chuyển đổi được thành công.
Đối với câu hỏi về trạm sạc điện khi chuyển hết từ xe xăng sang xe điện, ông Phan Trường Thành cho biết, hiện nay Hà Nội có khoảng 1.000 trụ sạc các loại, trong đó có 3 loại: Trụ sạc cho xe công cộng; trụ sạc cho ô tô; trụ sạc của xe máy, xe đạp điện. Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã yêu cầu rà soát, quy hoạch trạm sạc điện rõ ràng. Từ quy hoạch, doanh nghiệp, nhà đầu tư mới biết đâu để đầu tư trụ sạc. Do đó Hà Nội đang rà soát tổng thể các vị trí bến bãi đỗ xe trong Vành đai 1 để lắp các trụ sạc. Người dân từ nơi khác đến có thể gửi xe, sạc, di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Theo ông Thành, Hà Nội đã yêu cầu cần đưa tiêu chuẩn chung không phải lắp tràn lan dẫn đến sau này không liên kết được với nhau. UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo tiêu chuẩn dùng chung, không thể độc quyền. Bên cạnh đó, cùng trụ sạc yêu cầu phải có nhiều đầu sạc.
"Câu hỏi đối với câu hỏi khu chung cư cũ sạc ở đâu rất thiết thực. Giải pháp lâu dài là thành phố đang chỉ đạo đề án cải tạo tất cả chung cư cũ, còn trước mắt phải khảo sát đánh giá nhu cầu của người dân, cần thì bổ sung nguồn điện; yêu cầu các điều kiện về điện phải quan tâm hơn. Tuy nhiên, Hà Nội không khuyến cáo mang hết vào hầm sạc. Trong vành đai 1 đang rà soát tất cả khu vực công cộng để bố trí các trạm sạc cho người dân. Mọi chính sách đưa ra phải đảm bảo tính khả thi. Chậm nhất trong năm 2025 người dân phải cảm nhận thấy" - ông Thành thông tin.
Tại toạ đàm, ông Nguyễn Đông Phong, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm khí thải xe cơ giới đường bộ, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Xây dựng cho rằng, khi hiện thực hóa việc chuyển đổi xe máy chạy xăng sang xe điện, chúng ta cần giải quyết rất nhiều bài toán, vì việc này tác động rất lớn đến xã hội và đời sống người dân, nhất là nhóm người yếu thế trong xã hội. Để giải quyết việc này, Nhà nước và các cấp chính quyền cần có công cụ chính sách hỗ trợ người dân.
Ngoài ra, khi chuyển đổi xe máy chạy xăng sang xe điện cần giải quyết bài toán về hệ thống trạm sạc và đơn vị cung cấp điện. Mặt khác, chúng ta còn phải giải quyết triệt để bài toán về rác thải pin như giảm thiểu việc thải bỏ pin, tái chế và chuyển mục đích sử dụng pin thải. Đồng thời, phải phát triển công nghệ xử lý pin thải và quy định chặt chẽ về hoạt động xử lý pin thải.