A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng: Hạn chế về hạ tầng giao thông làm tăng chi phí logistics, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hạn chế về hạ tầng giao thông của Đồng bằng sông Cửu Long làm tăng chi phí logistics, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa.

Sáng nay 16/10/2024, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Các dự án giao thông trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Chậm tiến độ do công suất khai thác vật liệu còn hạn chế
Toàn cảnh Hội nghị Tháo gỡ khó khăn vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - (Ảnh: Ngân Nga).

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ rất quan tâm đến việc phát triển hạ tầng chiến lược cả nước nói chung, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Thủ tướng đánh giá, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, song có những điểm nghẽn, hạn chế, đặc biệt là về hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông. Những hạn chế về hạ tầng giao thông làm tăng chi phí logistics, chi phí đầu vào, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, không tạo ra không gian phát triển mới, hạn chế việc tái cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại khu vực này.

Thủ tướng nêu rõ, Hội nghị lần này được tiếp tục tổ chức để đánh giá tình hình triển khai công việc, chỉ ra những việc đã làm tốt, rút ra các kinh nghiệm quý, bài học hay để tiếp tục làm. Đồng thời, nhận diện những khó khăn, vướng mắc về nguyên vật liệu, thủ tục, vốn, giải phóng mặt bằng, triển khai trên thực địa của các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, từ đó kịp thời tháo gỡ, không để trì trệ, kéo dài.

Thủ tướng nhấn mạnh về tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, vướng mắc ở khâu nào thì tháo gỡ ở khâu đó, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, thúc đẩy triển khai các dự án, bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Các dự án giao thông trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Chậm tiến độ do công suất khai thác vật liệu còn hạn chế
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - (Ảnh: Ngân Nga)

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, hiện nay khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai 5 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải bao gồm: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau (gồm 2 đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau); Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (gồm 4 dự án thành phần); Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (gồm 2 dự án thành phần); Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận.

Đến nay, đã có 4/5 dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang tổ chức triển khai thi công, còn Dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh (vốn ODA Hàn Quốc) do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025.

Tình hình thực hiện các dự án, về công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cao tốc đang triển khai đạt trên 99%, cơ bản đáp ứng tiến độ thi công, riêng Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận còn chậm (đoạn qua tỉnh Kiên Giang đạt 56%, qua tỉnh Bạc Liêu đạt 82%).

Các dự án giao thông trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Chậm tiến độ do công suất khai thác vật liệu còn hạn chế
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm kiểm tra tiến độ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - (Ảnh: Báo Cần Thơ).

Về tình hình cung ứng vật liệu cát đắp nền đường, với kết quả giải phóng mặt bằng các dự án nêu trên và đặc thù các dự án phải gia tải chờ lún trong khoảng 10-12 tháng. Do đó để có thể hoàn thành các dự án theo kế hoạch đề ra, vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là phải đảm bảo nguồn vật liệu (cát đắp, cấp phối đá dăm). Đồng thời, công tác chỉ đạo, điều hành của chủ đầu tư, cũng như sự nỗ lực, quyết tâm của các nhà thầu trong tổ chức thi công là yếu tố quyết định đến tiến độ hoàn thành các dự án. Tuy nhiên, hiện nay do công suất khai thác còn hạn chế nên chưa đáp ứng yêu cầu.

Để bảo đảm nguồn cung vật liệu cát, đáp ứng tiến độ các dự án, căn cứ vào trữ lượng cát của các địa phương trong vùng, kế hoạch triển khai và nhu cầu cát của từng dự án, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương xây dựng phương án để Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương có nguồn cát và điều chuyển nguồn cát giữa các dự án nhằm đáp ứng tiến độ thi công.

Về nguồn vật liệu cấp phối đá dăm, tổng nhu cầu của các dự án khoảng 7,64 triệu m3. Tại khu vực, nguồn đá có trữ lượng lớn cũng như có điều kiện vận chuyển thuận lợi nhất là nguồn đá tại mỏ Antraco, thuộc tỉnh An Giang, công suất khai thác hàng năm khoảng 1,5 triệu m3 nhưng giấy phép khai thác mỏ đã hết hạn từ tháng 6/2024.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tỉnh An Giang triển khai thủ tục để khai thác trở lại trong tháng 8/2024. Hiện nay, UBND tỉnh An Giang đang thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ và dự kiến tổ chức đấu giá quyền khai thác và thực hiện các thủ tục theo quy định của Luật khoáng sản sẽ mất nhiều thời gian và không thể sử dụng nguồn vật liệu đá từ mỏ này cho Dự án Cần Thơ - Hậu Giang.

Các dự án giao thông trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Chậm tiến độ do công suất khai thác vật liệu còn hạn chế
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ kiểm tra cơ sở tại các công trình, dự án trọng điểm - (Ảnh: Ngân Nga).

Để chủ động nguồn đá cho Dự án Cần Thơ – Cà Mau nhằm đáp ứng tiến độ hoàn thành vào năm 2025, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị các địa phương có nguồn vật liệu đá ưu tiên, hỗ trợ cung ứng cho dự án; các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu đã hỗ trợ chủ đầu tư, các nhà thầu làm việc với các chủ mỏ 16 để hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đáp ứng công suất, khả năng cung ứng cho dự án. Các nhà thầu đã ký hợp đồng và đang đưa về công trường. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng) cần hoàn thành thủ tục cấp phép để khai thác các mỏ trước ngày 30/8/2024. Tuy nhiên, việc triển khai thủ tục cấp mỏ chưa đáp ứng được tiến độ thi công các dự án.

Đơn cử, nhiều mỏ tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng khi khảo sát, đánh giá chất lượng, trữ lượng không đáp ứng yêu cầu, phải tìm kiếm các mỏ khác thay thế ảnh hưởng đến tiến độ cấp mỏ. Một số mỏ tại tỉnh Tiền Giang cấp cho nhà thầu triển khai thủ tục khai thác nhưng chồng lấn với luồng và hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa. Các mỏ cát sông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng mặc dù có trữ lượng lớn nhưng công suất cấp phép khai thác rất hạn chế, không đáp ứng nhu cầu.

Một số mỏ tại tỉnh Đồng Tháp quá trình khai thác để cung ứng cho Dự án Cần Thơ – Cà Mau phải dừng nên không đảm bảo khối lượng (còn 0,476 triệu m3 chưa thể khai thác). Tỉnh An Giang triển khai dự án nạo vét, chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao để sử dụng khoáng sản thu hồi cung ứng cho Dự án Cần Thơ – Cà Mau (1,5 triệu m3), công suất khai thác 1,2 triệu m3/năm, hiện mới cấp cho dự án được 0,87 triệu m3 nhưng đã phải dừng khai thác (do hết công suất), không đáp ứng khối lượng (còn 0,63 triệu m3 chưa thể khai thác).

Tại Hội nghị, Bộ Giao thông vận tải cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật để cơ bản hoàn thành và bàn giao, không để ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án trong tháng 10/2024.

Về vật liệu xây dựng, các cơ quan chủ quản quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu chủ động trong việc tìm kiếm nguồn vật liệu cát để bù lại phần công suất đang thiếu hụt, đáp ứng tiến độ triển khai các dự án; phối hợp chặt chẽ với các địa phương có mỏ vật liệu để hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ đảm bảo nguồn vật liệu cát, đá, không để ảnh hưởng đến tiến độ thi công; xây dựng phương án tập kết vật liệu đá về công trường gửi các địa phương để chủ động trong việc điều tiết, cung ứng.

Theo báo cáo, đến nay các địa phương của Đồng bằng sông Cửu Long đã xác định được nguồn 72,3 triệu m3/nhu cầu 65 triệu m3, tình hình triển khai các thủ tục cấp phép khai thác mỏ cho các dự án của các địa phương theo chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao đầu tháng 7/2024 đến nay như sau:

Tỉnh An Giang, đã hoàn thiện thủ tục điều chuyển 1,4 triệu m3 để phục vụ thi công Dự án Cần Thơ – Cà Mau. Đã xác định đủ nhu cầu 3,395 triệu m3, đang thực hiện thủ tục cấp phép, dự kiến hoàn thành thủ tục khai thác trong tháng 11/2024.

Tỉnh Tiền Giang, chưa xác định được nguồn 2,15/15,9 triệu m3, đã hoàn thành thủ tục cấp phép, đủ điều kiện khai thác 1,1 triệu m3, đang thực hiện thủ tục cấp phép 12,9 triệu m3, dự kiến hoàn thành thủ tục khai thác trong tháng 11/2024.

Tỉnh Bến Tre, chưa xác định được nguồn 0,6/7,37 triệu m3, đang thực hiện thủ tục cấp phép 4,77 triệu m3, dự kiến hoàn thành thủ tục trong tháng 11/2024. Riêng các mỏ đấu giá để cấp cho TP. Hồ Chí Minh 2 triệu m3 phải đến cuối tháng 12/2024 mới hoàn thành.

Tỉnh Vĩnh Long, chưa xác định được nguồn 1,2/3,4 triệu m3, đã hoàn thành thủ tục, đủ điều kiện khai thác 1,4 triệu m3, đang thực hiện thủ tục cấp phép 0,8 triệu m3, dự kiến hoàn thành thủ tục khai thác trong tháng 10/2024.

Tỉnh Sóc Trăng, đã xác định đủ nguồn, đã hoàn thành thủ tục, đủ điều kiện khai thác 0,76 triệu m3 cát sông và 1,2 triệu m3 cát biển, đang hoàn thiện thủ tục cấp phép 5 triệu m3 cát sông, dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật