Thủ tướng làm Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Sáng 4/1, tại TP. Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND TP. Đà Nẵng tổ chức hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam - (Ảnh: Việt Dũng) |
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thông tin tại Kết luận số 47-TB/TW của Bộ Chính trị về Đề án xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, Bộ Chính trị đã yêu cầu các cơ quan phải xác định quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong tổ chức thực hiện Đề án quan trọng này. Đây không phải chỉ là việc riêng của TP. Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng mà là trách nhiệm của cả nước; vì vậy cả hệ thống chính trị phải cùng tham gia thực hiện.
Bộ Chính trị yêu cầu các nội dung của đề án cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ, nhất quán, trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ để bứt phá; các cơ quan từ Trung ương đến địa phương phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ; triển khai đúng tiến độ, lộ trình các công việc đề ra.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế - (Ảnh: Việt Dũng). |
Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 259/NQ-CP phê duyệt kế hoạch hành động triển khai xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Trong đó, đã phân công 49 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho 12 bộ, ngành, và các địa phương chủ trì triển khai, gắn với các sản phẩm đầu ra để hình thành khung pháp lý và chuẩn bị các điều kiện nền tảng phát triển các trung tâm tài chính tại Việt Nam, tập trung vào 5 trọng tâm: Phát triển cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại, thúc đẩy xây dựng hệ thống thanh toán, lưu ký và giao dịch tài chính hàng đầu. Thu hút nhân tài quốc tế, tạo cơ chế đãi ngộ, môi trường sống và làm việc hấp dẫn để thu hút các chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới. Thúc đẩy đổi mới tài chính, phát triển các công cụ tài chính mới như tài chính xanh, công nghệ tài chính (fintech), và quản lý rủi ro tài chính. Mở rộng hội nhập quốc tế, hợp tác với các tổ chức tài chính toàn cầu, tham gia các chuẩn mực tài chính quốc tế. Bảo vệ an ninh tài chính, tăng cường giám sát và quản lý rủi ro, đảm bảo ổn định hệ thống tài chính.
Các đại biểu tham dự hội nghị - (Ảnh: Việt Dũng) |
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành các quyết định thành lập và phê duyệt quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, nhằm thống nhất định hướng, đưa ra các quyết sách lớn, điều phối bảo đảm vận hành các Trung tâm tài chính thông suốt, nhất quán theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Theo đó, Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm Phó Trưởng Ban Thường trực.
Phó Trưởng Ban gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT; Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy TP. Đà Nẵng.
Các thành viên khác gồm 14 lãnh đạo của các cơ quan: Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin – Truyền Thông, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng.
Trước đó, ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo đó, Bộ Chính trị đồng ý thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm tài chính khu vực tại TP Đà Nẵng. |