A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Giới hạn” của di chúc theo quy định pháp luật

Di chúc được hiểu là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Một người có quyền lập di chúc để lại tài sản của mình sau khi chết cho người khác. Tuy nhiên, pháp luật cũng có những hạn chế trong một số trường hợp cụ thể.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Luật sư Vũ Thị Nhung – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, mặc dù người lập di chúc có quyền chỉ định, phân định phần di sản cho từng người thừa kế nhưng để sau khi người lập di chúc chết, tài sản được chia theo ý nguyện của người này, di chúc bắt buộc phải hợp pháp. Nguyên tắc này được quy định cụ thể tại Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo đó, đối với người lập di chúc phải có tinh thần minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc không bị cưỡng ép, đe dọa hay lừa dối. Trường hợp từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì di chúc phải lập thành văn bản, được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. Những người này chỉ đồng ý hoặc không đồng ý cho đối tượng này lập di chúc hay không mà không được can thiệp vào nội dung của di chúc. Trường hợp người bị hạn chế về thể chất hoặc không biết chữ thì phải do người làm chứng lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực.

Đối với nội dung, hình thức của di chúc, không vi phạm điều cấm của Luật, không trái đạo đức xã hội và không trái quy định của Luật. Do đó, không phải mọi trường hợp di chúc đều có hiệu lực và hợp pháp mà người lập di chúc phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện hợp pháp nêu trên khi lập di chúc.

Cũng theo Luật sư Nhung, người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế cũng như quyết định không cho ai được hưởng thừa kế. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền, lợi ích của những người yếu thế hơn, pháp luật nước ta có quy định các trường hợp vẫn được hưởng thừa kế dù trong di chúc không có tên.

Theo đó, các đối tượng được hưởng di sản không phụ thuộc di chúc vẫn được hưởng một phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế (nếu chia theo pháp luật) dù họ không có tên trong di chúc hoặc có nhưng chỉ được hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó là: con chưa thành niên; cha, mẹ; vợ, chồng hoặc con thành niên mà không có khả năng lao động.

Như vậy, quy định này đã hạn chế một phần quyền của người để lại di chúc. Mặc dù người này có quyền chỉ định người hưởng thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người khác nhưng với các người thừa kế nêu trên, việc lập di chúc không ảnh hưởng đến quyền hưởng di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật.

Không chỉ vậy, mặc dù người để lại di sản thừa kế qua di chúc có thể phân định một phần di sản của mình cho từng người, dành phần tài sản để di tặng, thờ cúng cũng như giao nghĩa vụ của người thừa kế.

Tuy nhiên, căn cứ Điều 645, Điều 646 Bộ luật Dân sự, việc phân chia di sản thừa kế cho người có tên trong di chúc có thể không được thực hiện theo ý nguyện của người lập di chúc nếu nghĩa vụ tài sản người lập di chúc để lại lớn hơn phần di sản mà người này có.

Khoản 2 Điều 645 Bộ luật Dân sự nêu rõ: “Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng”.

Tại khoản 3 Điều 646 Bộ luật Dân sự quy định: “Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này”.

Từ những quy định này, có thể thấy, nếu người để lại di chúc có nghĩa vụ tài sản lớn hơn số di sản mà người này để lại trong di chúc thì việc chỉ định tài sản để thờ cúng hoặc di tặng sẽ không được thực hiện mà phải ưu tiên dùng để thanh toán nghĩa vụ còn thiếu, Luật sư Nhung nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật