A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế & Quản lý khoa học (VKSNDTC): Người góp sức nhiều dự án luật quan trọng

Nói về công việc, bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế & Quản lý khoa học (VKSNDTC), luôn say sưa. Nhưng khi nói về mình, bà lại khiêm tốn: “Tôi là người làm chuyên môn, cũng như bao anh em khác trong tập thể này”. Nhưng chúng tôi hiểu, một đơn vị có bề dày như đơn vị của bà Chi, thành tích của tập thể có dấu ấn đậm nét của người đứng đầu.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế & Quản lý khoa học, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, bà Hoàng Thị Quỳnh Chi.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế & Quản lý khoa học, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, bà Hoàng Thị Quỳnh Chi.

18 năm với nhiều dấu ấn

Bà Chi bắt đầu công việc ở Vụ Pháp chế & Quản lý khoa học (trước là Viện Khoa học Kiểm sát) từ năm 2004. Mọi việc bắt nhịp như một cơ duyên bởi trước đó bà đã là Giảng viên chính, Phó Chủ nhiệm Khoa Kiểm sát Quản lý hành chính Nhà nước Trường Cao đẳng Kiểm sát (nay là ĐH Kiểm sát).

Mười bốn năm gắn bó với công tác đào tạo cùng quá trình học tập tại Khoa Luật Kinh tế của ĐH Luật Hà Nội giúp bà tích lũy nhiều kinh nghiệm từ thực tế công việc. Đặc biệt, việc tiếp xúc hàng ngày với các cán bộ trong ngành Kiểm sát khiến bà hiểu hơn, yêu ngành hơn vì thời điểm đó, ngành Kiểm sát cũng như nhiều ngành trong hệ thống cơ quan tiến hành tố tụng, đều còn rất nhiều khó khăn.

Từ một Trưởng phòng, rồi Phó Vụ trưởng, đi luân chuyển và quay trở lại trên cương vị Vụ trưởng Vụ Pháp chế & Quản lý khoa học từ 2016, thời gian gắn bó của bà Chi với Vụ đã 18 năm. Mười tám năm đó, bà tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định, rà soát… nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Chỉ từ 2018 - tháng 6/2021, bà Chi đã tham gia Ban Chủ nhiệm 17 đề tài và 7 đề án khoa học cấp bộ (Chủ nhiệm 10 đề tài và 3 đề án, Phó Chủ nhiệm 7 đề tài và 4 đề án; đến nay, cơ bản các đề tài đều đã được nghiệm thu); đồng thời, tham gia chỉ đạo nghiên cứu và tham gia nghiên cứu nhiều đề án, đề tài, chuyên đề khoa học ở trong và ngoài ngành, đặc biệt là các Đề án lớn do BCĐ Cải cách tư pháp Trung ương và Đảng Đoàn Quốc hội giao cho ngành Kiểm sát.

Kết quả nghiên cứu đã phục vụ thiết thực các nhiệm vụ cải cách tư pháp, xây dựng pháp luật và triển khai thực hiện pháp luật của ngành Kiểm sát nhân dân; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng bà Chi cũng tham gia xây dựng như: Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Luật Đặc xá năm 2018, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018, Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020…

Bà Chi còn tham gia xây dựng và chủ trì thẩm định 10 Thông tư liên tịch do VKSNDTC chủ trì nhằm hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hành chính…; đến nay, các Thông tư này đã được ký ban hành, góp phần thiết thực vào hiệu quả công tác của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và VKSND nói riêng.

Ngoài ra, bà Quỳnh Chi còn chỉ đạo trực tiếp và phối hợp các đơn vị xây dựng các quy chế, quy trình nghiệp vụ; các biểu mẫu tố tụng, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của ngành Kiểm sát. Bà cũng tham gia xây dựng nhiều Nghị quyết Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng Dân sự, Tố tụng Hành chính, Bộ luật Hình sự...; tham gia góp ý xây dựng nhiều văn bản pháp luật do các bộ, ngành chủ trì soạn thảo, xin ý kiến VKSNDTC; trong đó có nhiều đạo luật quan trọng liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của VKSND như Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án, Luật Đất đai, Bộ luật Lao động…

Bên cạnh đó, bà Quỳnh Chi còn chỉ đạo nghiên cứu xây dựng 4 cuốn Sổ tay Kiểm sát viên; Trực tiếp chỉ đạo đơn vị chủ trì nghiên cứu, hướng dẫn, giải đáp hàng trăm vướng mắc về nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp cho toàn ngành; Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an, TANDTC hướng dẫn, giải đáp nhiều vướng mắc về pháp luật của các cơ quan tố tụng; Chủ biên biên soạn và phát hành 2 cuốn sách về hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, hành chính vào năm 2019 và 2020.

Hiện nay, hàng loạt công việc nặng nề khác trong công tác xây dựng văn bản cũng đang ghi nhận sự có mặt của bà Quỳnh Chi. Có thể điểm danh một số việc: Là thành viên tổ biên tập xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến 2030, định hướng 2045”, Đề án kiểm soát quyền lực phòng chống tham nhũng trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án…

Đây là những đề án mới và khó, đòi hỏi khi tham mưu xây dựng, đặc biệt là những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành Kiểm sát phải thật đúng, thật trúng, có chất lượng, làm sao phát huy thế mạnh của ngành trong giai đoạn mới của đất nước.

Trăn trở với công tác pháp chế

Số lượng công việc rất nhiều, có tính đặc thù cao, trong bối cảnh cả đơn vị chỉ có 24 biên chế, vậy làm sao để có thể giải quyết hết công việc? Trả lời câu hỏi, bà Quỳnh Chi cười: “Việc của pháp chế chúng tôi không chỉ gói trong giờ hành chính. Chuyện đem việc về nhà giải quyết cả ngày nghỉ, ngày lễ, làm ngoài giờ… là bình thường. Vì ngoài những nhiệm vụ thường xuyên, có nhiều công việc phát sinh phải giải quyết cho kịp tiến độ thời gian mà vẫn phải bảo đảm chất lượng”. Bà tâm sự: “Nhưng anh em cũng quen việc rồi nên luôn cố gắng hết sức, không làm xong việc mới thấy áy náy”.

Bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế & Quản lý khoa học (VKSNDTC): Người góp sức nhiều dự án luật quan trọng ảnh 1

Bà Quỳnh Chi: “Chúng tôi không trực tiếp làm án, không bị áp lực bởi chống oan, chống lọt… Nhưng thể chế là những vấn đề mang tính vĩ mô, phải đi đầu. Pháp chế phải là điểm tựa”.

Ngoài công tác xây dựng văn bản, bà Quỳnh Chi vui mừng cho biết, công tác thẩm định văn bản của đơn vị đã đi vào nền nếp. Khoảng 5 - 7 năm trở lại đây, 100% văn bản đều đã qua Vụ Pháp chế & Quản lý khoa học thẩm định. Có nhiều văn bản theo quy định không phải lấy ý kiến của Vụ nhưng vẫn được giao thêm. “Điều này thể hiện sự tin tưởng của lãnh đạo Viện, cũng như các đơn vị khi gửi gắm “đứa con tinh thần” cho chúng tôi trước khi văn bản được trình lên lãnh đạo Viện xem xét, quyết định”, bà Chi nhận định.

Cùng với công việc pháp chế, một mảng công việc không kém phần quan trọng của Vụ là quản lý khoa học. Bà Chi cho biết hiện có nhiều công trình nghiên cứu có chất lượng cao tác động đến toàn ngành, nhiều Đề án cơ sở được xây dựng thành những công trình áp dụng trên phạm vi toàn quốc… Tính ứng dụng trên thực tế của các đề tài, công trình khoa học thời gian qua được toàn ngành đánh giá cao.

Điều bà Chi quan tâm nữa là trong điều kiện còn nhiều khó khăn, làm thế nào để bố trí công việc hợp lý, tạo ra sự hứng thú, say mê và tạo lập một môi trường tốt cho anh em cống hiến. Chính vì thế, bà cùng các lãnh đạo Vụ luôn cố gắng đổi mới trong phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành để phát huy cao nhất năng lực, sở trường của từng cá nhân trong đơn vị; tạo điều kiện cho các cán bộ trong Vụ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực, chính trị, chuyên môn… Trong giao việc, bà cùng các lãnh đạo Vụ luôn sâu sát, quyết liệt. Đặc biệt những việc khó, bà trực tiếp lắng nghe, vào cuộc cùng anh em, khó ở đâu cùng tìm cách tháo gỡ.

Yêu nghề và luôn đắm đuối với công việc nhưng bà Quỳnh Chi vẫn còn không ít trăn trở: “Việc nào cũng có cái khó. Chúng tôi không trực tiếp làm án, không bị áp lực bởi chống oan, chống lọt… Nhưng thể chế là những vấn đề mang tính vĩ mô, phải đi đầu. Pháp chế phải là điểm tựa, nhưng hiệu quả khó đong đếm… Và đây là những khó khăn hết sức đặc thù”. Bà Chi cho biết, người làm pháp chế phải là người có chuyên môn cao, có bản lĩnh chính trị, am hiểu công việc của ngành, yêu ngành, yêu nghề; nhưng hiện nay chế độ cho người làm pháp chế vẫn còn nhiều bất cập, dù đã có sự cải thiện.

Vì thế, bà Quỳnh Chi mong muốn, công tác pháp chế sẽ có được sự quan tâm đồng bộ hơn từ chính sách đãi ngộ, con người, cơ hội thăng tiến, đào tạo, bồi dưỡng… Còn với riêng tập thể Vụ Pháp chế & Quản lý Khoa học, bà Chi chỉ có mong muốn giản dị, được bổ sung thêm biên chế, tạo điều kiện nâng cao trình độ, chuyên môn, chính trị… cho cán bộ để Vụ ngày càng làm tốt hơn công việc của mình.

Dưới sự dẫn dắt của bà Quỳnh Chi, Vụ Pháp chế & Quản lý khoa học đã 9 năm đạt Cờ thi đua của Chính phủ. Riêng cá nhân bà Chi nhiều năm liền là chiến sỹ thi đua ngành Kiểm sát, chiến sỹ thi đua cơ sở, nhiều lần vinh dự nhận Bằng khen của Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam…

“Chúng tôi luôn được sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo Viện, sự phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài ngành. Đặc biệt, chúng tôi có một tập thể đoàn kết, anh em được đào tạo bài bản, có trình độ, tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với công việc. Tập thể Vụ luôn lấy công việc làm thước đo”, bà Chi nói về những yếu tố thuận lợi để bà cùng tập thể Vụ đã và đang xây dựng thương hiệu pháp chế ngành Kiểm sát ngày càng vững mạnh.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật