A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cựu Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng bị đề nghị mức án 6-7 năm tù

Ông Hoàng Quốc Vượng - cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương - là người bị đề nghị mức án cao nhất trong 12 bị cáo sai phạm, gây thiệt hại cho EVN 1.043 tỉ đồng.

Cựu Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng bị đề nghị mức án 6-7 năm tù

Cựu Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng (đứng, ngoài cùng bên trái) và các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Quang Việt

Ngày 23.4, Viện KSND Hà Nội đã đề nghị TAND Hà Nội tuyên phạt ông Hoàng Quốc Vượng (62 tuổi) - cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương; Phương Hoàng Kim (52 tuổi) - cựu Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cùng mức án 6-7 năm tù về tội ''Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ''.

10 bị cáo còn lại trong vụ án, Viện KSND đề nghị mức án từ 3 năm tù treo đến 6 năm tù tương ứng với các tội ''Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ'' và ''Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng'' bị truy tố.

Đại diện Viện KSND đánh giá, đây là vụ án "rất nghiêm trọng", gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gây thất thoát tài sản Nhà nước. "Việc đưa vụ án ra xét xử là cần thiết", bản luận tội nêu.

Tuy nhiên, cơ quan công tố ghi nhận ông Vượng thành khẩn, có nhiều thành tích, được một số đơn vị có văn bản đề nghị xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo còn nộp lại 1,5 tỉ đồng nhận của doanh nghiệp liên quan trong vụ án, đồng thời khắc phục thêm hơn 700 triệu đồng.

Các bị cáo khác cũng được ghi nhận thành khẩn, có thành tích...

Bị cáo Phương Hoàng Kim. Ảnh: Quang Việt

Bị cáo Phương Hoàng Kim trước bục khai báo. Ảnh: Quang Việt

Qua phần xét xử, tài liệu, cơ quan công tố xác định, ông Vượng trong thời gian làm Thứ trưởng Bộ Công Thương, được giao phụ trách Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, từ ngày 31.8.2018 - 6.4.2020 đã trực tiếp chỉ đạo tham mưu xây dựng dự thảo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Vượng biết rõ các chủ trương của Chính phủ (Nghị quyết 115/NQ-CP), chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các cuộc họp về cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận đối với các dự án điện mặt trời.

Ông Vượng bị cáo buộc "vì động cơ vụ lợi", cố ý chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo xây dựng dự thảo Quyết định số 13 theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng giá điện ưu đãi và thống nhất chủ trương đề xuất cho dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam được phê duyệt bổ sung quy hoạch, xin cơ chế giá 9,35 cent/kWh cho dự án này.

Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, làm trái công vụ của ông Vượng đã dẫn đến hậu quả thiệt hại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hơn 1.043 tỉ đồng.

Liên quan vụ án, ông Phương Hoàng Kim trong thời gian làm Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo từ ngày 31.8.2012 - 6.4.2020, được giao làm tổ trưởng tổ soạn thảo, trực tiếp thực hiện việc xây dựng dự thảo Quyết định số 13.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Kim biết rõ các chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các cuộc họp về cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận đối với các dự án điện mặt trời.

Tuy nhiên, vì muốn tạo điều kiện không chính đáng cho Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam được bổ sung quy hoạch để hưởng giá điện ưu đãi 9,35 cent/kWh, ông Kim đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, cố ý đẩy trách nhiệm cho ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - làm tổ trưởng tổ soạn thảo nhưng không được ông Vượng đồng ý.

Theo cáo buộc, ông Kim không chỉ đạo tổ soạn thảo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo xây dựng dự thảo Quyết định số 13 theo đúng Nghị quyết 115 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; không báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương về nội dung dự thảo trái với Nghị quyết số 115, mục đích để Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam được hưởng giá điện ưu đãi; trực tiếp tham mưu, đề xuất bổ sung quy hoạch về giá điện ưu đãi cho Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam.

Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, làm trái công vụ của ông Kim đã dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho EVN hơn 1.043 tỉ đồng.

Về phần dân sự, cơ quan công tố xác định, ngoài Trung Nam - Thuận Nam, còn có 2 doanh nghiệp không thuộc diện được hưởng ưu đãi giảm giá điện. Do đó, Viện KSND đề nghị 3 doanh nghiệp này phải hoàn trả cho EVN số tiền hưởng lợi, tổng cộng hơn 1.000 tỉ đồng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật