Lửa giận thiêu lý trí, bài học chua cay từ bi kịch cháy quán hát Hà Nội
Trong giây phút cơn giận lấn át lý trí, nghi phạm Cao Văn Hùng đã tự tay hủy hoại cuộc đời mình, cướp đi sinh mạng của 11 người vô tội, gây phẫn nộ dư luận.
Mới đây, dư luận không khỏi rúng động bởi vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại quán hát trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, đã cướp đi 11 sinh mạng trẻ trung, chôn vùi những nụ cười, dự định tương lai trong biển lửa oan nghiệt. Họ, những người đến tìm chút thư giãn sau ngày dài mệt nhọc, lại phải ra đi mãi mãi vì một hành động mất kiểm soát của kẻ mang lòng hận thù.
Nguyên nhân gây ra bi kịch này khiến ai nghe cũng phải rùng mình. Chỉ vì mâu thuẫn cá nhân, nghi phạm Cao Văn Hùng, 51 tuổi, đã đổ xăng phóng hỏa, biến quán hát thành lò lửa địa ngục. Trong giây phút cơn giận lấn át lý trí, Hùng được cho là kẻ đã tự tay hủy hoại cuộc đời mình, cướp đi sinh mạng của 11 người vô tội, để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình họ.
Ngôi nhà xảy ra cháy ở Hà Nội có 3 tầng, 1 tum, rộng khoảng 40 m2, tầng 1 là quán hát, tầng 2 và 3 để thoáng. Khi đám cháy xảy ra, nhiều người nghe thấy tiếng kêu cứu. Ảnh: Đình Huy |
“Giận quá mất khôn” - một lời cảnh tỉnh đã tồn tại qua bao thế hệ, lại một lần nữa vang lên đầy ám ảnh. Cơn giận, khi không được kiểm soát, không chỉ phá hủy chính bản thân người mang nó, mà còn gieo rắc bi kịch cho những người vô can. Những vụ án đau lòng như vậy không phải hiếm trong xã hội hiện đại, khi áp lực cuộc sống khiến con người dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy cảm xúc và hành động thiếu suy nghĩ.
Kẻ tình nghi Cao Văn Hùng đã bị bắt giữ và sẽ đối mặt với bản án của pháp luật, nhưng liệu sự trừng phạt đó có đủ để xoa dịu nỗi đau tột cùng mà vụ việc đã gây ra? Câu trả lời, chắc chắn, là không. Không một mức án nào có thể đưa 11 sinh mạng vô tội trở lại, không một hình phạt nào có thể làm nguôi ngoai nỗi đau xé lòng của những gia đình đã mất đi người thân yêu trong chớp mắt.
Giá như nghi phạm không hành động dại dột. Giá như ngọn lửa không bùng lên và câu nói “nếu như” chua xót ấy cứ ám ảnh, giày vò tâm trí những người chứng kiến bi kịch. Nhưng đáng tiếc thay, cuộc sống không tồn tại hai chữ “giá như”. Mọi giả thiết, tiếc nuối đều trở nên vô nghĩa trước thực tại phũ phàng, những nạn nhân xấu số đã ra đi mãi mãi, mang theo niềm đau đớn khôn nguôi mà không lời nào có thể diễn tả trọn vẹn.
Khi cơn giận lên cao, lý trí con người như bị che mờ, dẫn đến những quyết định sai lầm, gây ra những hậu quả khôn lường. Không chỉ vụ việc tại Bắc Từ Liêm, đầu năm nay, cũng xảy ra một trường hợp sử dụng phóng hỏa đốt nhà để trả thù mâu thuẫn. Nguyên nhân là do anh Nguyễn Văn Đoan - làm nghề thợ mộc, trong quá trình thi công, có sử dụng máy móc khoan đồ gỗ gây nên tiếng ồn, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình ông Trần Văn Cường (ở gần đó). Vậy nên, ông Cường bức xúc, nhiều lần chửi mắng Đoan. Đoan nghĩ lại thấy bực tức vì bị chửi nhiều lần nên nảy sinh ý định phóng hỏa, đốt nhà ông Cường để trả thù.
May mắn thay, vụ việc không gây ra thiệt hại về người, nhưng hành vi trả thù bằng bạo lực của Đoan đã cho thấy rõ sự nguy hiểm khi để cảm xúc chi phối lý trí. Đó cũng là lý do mà Đoan phải nhận bản án phạt 19 năm tù về tội "giết người".
Tuy nhiên, bất chấp những bài học cay đắng ấy, dường như vẫn là chưa đủ để kiềm chế các hành vi bộc phát từ sự nóng giận. Dưới sự răn đe nghiêm khắc của pháp luật, tiếc rằng, không ít vụ việc nghiêm trọng khởi phát từ cơn nóng giận cứ tiếp diễn xảy đến. Có lẽ, trong cuộc sống hiện đại, với áp lực ngày càng tăng trong công việc, đời thường, con người ta đang dễ dàng bị cuốn vào những cơn nóng giận, mất kiểm soát bản thân và hành động theo cảm xúc nhất thời.
Đôi khi, chỉ một câu nói khó nghe, một ánh mắt lạnh lùng vô tình cũng có thể trở thành ngọn lửa mồi châm cho một cuộc tranh cãi bùng nổ. Những cái đầu vốn đã chất chứa sự nóng nảy dễ dàng mất kiểm soát, biến mâu thuẫn nhỏ nhặt thành những cuộc ẩu đả dữ dội, đẩy con người vào vòng xoáy của những hành động cực đoan không thể cứu vãn.
Những hành vi bộc phát ấy không chỉ để lại tổn thương về mặt thể xác mà còn khắc sâu những vết sẹo tinh thần không thể lành. Những gia đình, những người thân yêu của nạn nhân phải sống trong nỗi đau day dứt, đối mặt với ký ức kinh hoàng mà thời gian cũng khó lòng xoa dịu. Một phút mất kiểm soát, đôi khi, lại chính là khởi đầu cho những bi kịch không hồi kết.
Chính vì vậy, việc học cách kiểm soát cơn giận không chỉ là chìa khóa giúp bạn tránh khỏi những hoàn cảnh đáng tiếc, mà còn là hành động bảo vệ chính mình và những người xung quanh khỏi những hậu quả khôn lường.
Khi cảm xúc dâng trào, một hành động nhỏ như hít thở sâu có thể trở thành “liều thuốc thần kỳ” giúp bạn nhanh chóng lấy lại sự bình tĩnh. Hãy hít vào thật sâu, để không khí lấp đầy khoang bụng, sau đó thở ra chậm rãi, đều đặn. Song song, việc đếm từ một đến mười - hay lâu hơn, nếu cần - sẽ giúp tâm trí tập trung vào nhịp thở, đánh tan cơn giận đang dâng cao. Đây không chỉ là cách tự trấn an hiệu quả mà còn là bước đầu giúp bạn suy xét tình huống tỉnh táo hơn.
Chẳng hạn, trong một cuộc tranh cãi với người thân, thay vì đáp trả bằng những lời nói lớn tiếng hay gay gắt, hãy thử dừng lại, hít thở thật sâu và đếm từ từ. Bạn sẽ nhận thấy sự nóng giận giảm đi đáng kể, giúp bạn kiểm soát được hành vi và tìm ra cách giải quyết vấn đề một cách khôn ngoan hơn.
Bên cạnh việc kiềm chế cơn giận tức thời, kiểm soát cảm xúc đòi hỏi một chiến lược toàn diện và sự nỗ lực không ngừng. Đầu tiên, hãy rèn luyện tính kiên nhẫn – khả năng chịu đựng trước áp lực mà không phản ứng vội vàng. Kèm theo đó, thái độ tích cực sẽ giúp bạn nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng nhẹ nhàng, khách quan hơn. Việc đặt mình vào vị trí của người khác, đồng cảm và thấu hiểu, là "chìa khóa" để hóa giải những mâu thuẫn trong hòa bình.
Để hỗ trợ quá trình này, việc xây dựng một lối sống lành mạnh đóng vai trò quan trọng. Các hoạt động như tập thể dục thường xuyên, thiền định, hay dành thời gian cho những sở thích cá nhân không chỉ giúp giảm stress mà còn mang lại sự cân bằng cảm xúc lâu dài. Đây chính là nền tảng để bạn xử lý những tình huống khó khăn một cách sáng suốt.
Tuy nhiên, cần thừa nhận rằng, làm chủ cảm xúc không phải là điều có thể đạt được trong ngày một, ngày hai. Đó là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì và luyện tập không ngừng. Mỗi lần bạn học cách kiểm soát cơn giận hay bình tĩnh trước một thử thách, đó chính là một bước tiến trên hành trình hoàn thiện bản thân.
Trong những tình huống không mong muốn, hãy luôn nhớ rằng, phản ứng của bạn mới là yếu tố quyết định diễn biến của sự việc. Đôi khi, việc lựa chọn “tẩu vi thượng sách” - tránh xa khỏi xung đột - không phải là hèn nhát, mà là biểu hiện của sự khôn ngoan và trưởng thành. Một cuộc tranh cãi chưa bao giờ giải quyết được vấn đề; chỉ có sự thấu hiểu, tôn trọng lẫn nhau mới mang lại tiếng nói chung.
Hãy chọn cách phản ứng thông minh, vì chính sự bình tĩnh sẽ cứu bạn khỏi những sai lầm mà cả đời không thể sửa chữa.