Ông chủ Phúc Sơn và nhiều người được đề nghị lại mức án theo hướng giảm
Do việc ông chủ Tập đoàn Phúc Sơn đã nộp khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, cơ quan công tố đã đề nghị lại mức án với bị cáo và 7 người khác.
Bị cáo Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn. Ảnh: N.Anh
Sáng 4.7, đại diện Viện KSND Hà Nội đã đề nghị TAND Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn mức án 14-15 năm (đề nghị cũ 17-18 năm) tội "Đưa hối lộ", 11-12 năm (đề nghị cũ 15-16 năm) tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và 7-8 năm (đề nghị cũ 11-12 năm) năm tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hợp là 30 năm tù (mức cao nhất án có thời hạn).
Việc đề nghị trên do Tập đoàn Phúc Sơn đã nộp cho Hội đồng xét xử (HĐXX) biên lai một đối tác nộp 768 tỉ đồng vào Cục Thi hành án để khắc phục cho Nguyễn Văn Hậu.
Bị cáo Hậu tại tòa cho hay, chiều qua (3.7) có được thông báo HĐXX chấp thuận để Phúc Sơn bán 196 lô đất khắc phục hậu quả vụ án.
Cùng với bị cáo Hậu, Viện KSND cũng đề nghị giảm án cho 7 bị cáo khác theo hướng giảm nhẹ. Trong đó có bị cáo Phùng Quang Hùng - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - được đề nghị giảm nhẹ một phần trách nhiệm so với đề nghị trước đó (4 - 4 năm 6 tháng tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ) do nộp khắc phục 200 triệu đồng.
Về tội danh nhận hối lộ: Viện KSND vẫn giữ nguyên đề nghị. Theo đó, bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan - cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc mức án từ 14-15 năm tù; Lê Duy Thành - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc mức án 9-10 năm tù; Phạm Hoàng Anh - cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc 7-8 năm tù;
Bị cáo Nguyễn Văn Khước - cựu Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Vĩnh Phúc - bị đề nghị từ 7-8 năm tù; Hoàng Văn Nhiệm (cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính Vĩnh Phúc) từ 4-5 năm tù.
Bị cáo Cao Khoa - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; Lê Viết Chữ - cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Đặng Văn Minh - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cùng bị đề nghị mức án mỗi người là 7-8 năm.
Các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 18 tháng tù treo đến 7 năm tù giam các tội danh theo truy tố.
Trước đó, khi luận tội, đại diện Viện KSND cho rằng, nguyên nhân của vụ án còn có sơ hở của một số quy định trong các văn bản trong công tác quản lý xây dựng nhà nước và lĩnh vực xây dựng, đấu thầu và thuế.
Bên cạnh đó, một số cán bộ đảng viên ở các cơ quan địa phương đã suy thoái về phẩm chất đạo đức. Vì động cơ vụ lợi, các bị cáo đã câu kết với doanh nghiệp tạo nên lợi ích và lợi ích nhóm.
"Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng nên cần xét xử nghiêm" - Viện KSND cho hay.
Tuy nhiên khi xem xét hình phạt, Viện KSND đề nghị HĐXX xem xét nhân thân, cá thể hóa vai trò của các bị cáo để có mức án phù hợp, nhằm đảm bảo tính nhân văn. Trong đó, cần nghiêm trị các bị cáo chủ mưu, có chức vụ quyền hạn chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan, Lê Duy Thành được ghi nhận đã khắc phục, nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi, đồng thời nộp một khoản tiền để khắc phục chung cho hậu quả vụ án. Nhiều bị cáo là lãnh đạo ở tỉnh Phú Thọ, Quảng Ngãi khắc phục hậu quả, tuổi cao.
Đặc biệt, cả 41 bị cáo trong vụ án đều có nhiều văn bản của cá nhân, tổ chức xác nhận xin giảm nhẹ hình phạt. Các bị cáo Lan, Thành, Hoàng Anh, Cao Khoa, Viết Chữ, Đặng Văn Minh... có nhiều thành tích trong công tác, được tặng thưởng Huân chương, kỷ niệm chương, Bằng khen.
Bản thân bị cáo Hậu, Lan, Minh... còn được ghi nhận làm thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo, người khó khăn, chăm lo an sinh.
Do tình tiết mới trên, chủ tọa thông báo ngày 11.7 tới sẽ ra phán quyết với các bị cáo.