Hình thành siêu đô thị liên kết vùng, cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp Việt
TPHCM - Sự quy hoạch đồng bộ, kết nối liên vùng và môi trường đầu tư minh bạch sẽ tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.
TPHCM chính thức mở rộng địa giới, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Ảnh: Anh Tú
Ba lợi thế rõ nét khi hình thành siêu đô thị
Theo ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, việc hình thành một “siêu đô thị” liên kết vùng giữa TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ mở ra một cấu trúc đô thị - kinh tế hoàn toàn mới, góp phần tạo nên sự cộng hưởng tích cực và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
“Trước đây, mỗi địa phương đều có thế mạnh riêng như Bình Dương với công nghiệp và logistics hiện đại, Bà Rịa - Vũng Tàu là cửa ngõ cảng biển trọng yếu, còn TPHCM là đầu tàu kinh tế cả nước. Khi được quy hoạch đồng bộ, cùng định hướng phát triển, nguồn lực và vận hành linh hoạt, chúng ta sẽ có một cấu trúc đô thị - kinh tế hoàn toàn mới, tạo ra sự cộng hưởng tích cực” - ông Đặng Hồng Anh nhận định.
Từ góc nhìn của cộng đồng doanh nhân trẻ, ông Hồng Anh nhấn mạnh kỳ vọng vào một môi trường đầu tư minh bạch, hạ tầng kết nối hiện đại và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện. Đây là nền tảng quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng hiệu quả hội nhập quốc tế và nuôi dưỡng những “kỳ lân” mới của quốc gia.
Thứ nhất, việc liên kết vùng là lời giải cho bài toán phát triển cục bộ. Theo ông Hồng Anh, lâu nay các địa phương có lợi thế riêng nhưng chưa có cơ chế phối hợp đủ mạnh để tối ưu hóa nguồn lực chung. Một khi được quy hoạch chung về hạ tầng, chính sách và thị trường, cả vùng sẽ trở thành một thực thể kinh tế đủ quy mô và hấp dẫn với các nhà đầu tư toàn cầu.
Thứ hai, cộng đồng doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi lớn từ tính kết nối liên vùng: nguồn nhân lực chất lượng cao không còn bị giới hạn bởi địa lý; vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu trở nên linh hoạt hơn; chi phí đầu vào giảm, năng suất tăng. Những yếu tố này là tín hiệu tích cực để thu hút thêm vốn đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp tái cơ cấu, mở rộng quy mô hoạt động.
Thứ ba, khu vực này với dân số đông và mức đô thị hóa nhanh chóng sẽ trở thành một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất cả nước. Điều này mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho các ngành bán lẻ, dịch vụ, công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Đây cũng chính là môi trường lý tưởng để các doanh nghiệp trẻ theo đuổi đổi mới sáng tạo quy mô lớn.
Xây dựng nguyên tắc điều phối vùng rõ ràng
Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, cần xác lập rõ ràng các nguyên tắc điều phối vùng. Phải có thể chế linh hoạt, minh bạch, thống nhất trong cấp phép, thuế và thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Đặc biệt, cần bảo đảm cơ hội công bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tránh tình trạng “lép vế” trong cuộc chơi mới, từ đó xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững.
“Việc mở rộng không gian đô thị không chỉ mở ra cơ hội cho nhà đầu tư mà còn giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị liên ngành, liên tỉnh và thậm chí liên quốc gia” - ông Hồng Anh khẳng định.
Dưới sự chuyển động mạnh mẽ của không gian kinh tế mới, các doanh nghiệp trẻ đã chủ động tái cấu trúc và mở rộng hệ sinh thái đầu tư theo định hướng dài hạn.
Với vai trò là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, ông Đặng Hồng Anh cam kết tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nhân trên cả nước, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đồng thời, cam kết gắn bó với quá trình phát triển của TPHCM - xây dựng một môi trường đầu tư minh bạch, năng động, kết nối liên vùng và nuôi dưỡng khát vọng đổi mới sáng tạo.
“Tôi kỳ vọng vùng đô thị mở rộng này sẽ trở thành một siêu nền tảng giúp doanh nghiệp Việt phát triển bền vững và vươn ra toàn cầu. Trong tương lai không xa, TPHCM sẽ vinh dự nằm trong top 100 thành phố đáng sống nhất thế giới” - ông Đặng Hồng Anh bày tỏ.