A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Siết chặt các quy định về quản lý chó dữ

Thời gian qua, tại Việt Nam, không ít vụ việc thương tâm liên quan đến chó dữ tấn công người đã xảy ra, gây bàng hoàng dư luận. Câu hỏi đặt ra là vì sao những bi kịch này vẫn tiếp diễn?

Nhiều vụ việc thương tâm

Mới đây, tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã xảy ra sự việc một bé gái mới 5 tuổi bị 2 con chó giống becgie do hàng xóm nuôi tấn công và cắn chết, gây bàng hoàng dư luận. Được biết, tại thời điểm trên, 2 con chó được chủ cho ăn và thả ra để đi vệ sinh, nhưng không rọ mõm, khi bé gái đi chơi ngang khu vực này đã bị chó bất ngờ tấn công, cắn đứt động mạch cảnh ở hai bên cổ khiến cháu bé tử vong.

Những năm gần đây, các vụ việc chó dữ cắn người gây thương tích trầm trọng và chết người đã diễn ra không ít. Nạn nhân của sự tấn công từ chó dữ này phần nhiều là trẻ em, người già. Có những trường hợp, chó nuôi trong nhà cắn chết chủ hoặc khách tới nhà. Đáng nói là những vụ tấn công diễn ra hết sức kinh khủng, gây nên cái chết đầy đau đớn, thương tâm cho các nạn nhân. Điểm chung của hầu hết các vụ việc này là chó không được rọ mõm hoặc xích cẩn thận khi ra ngoài. Một phần do sự chủ quan của người nuôi, phần khác là thói quen xem nhẹ các quy định pháp luật hiện hành.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có những quy định về việc nuôi và quản lý chó. Theo Luật Chăn nuôi 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành, chủ nuôi phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt. Chủ nuôi cũng phải đăng ký việc nuôi chó tại địa phương, bảo đảm tiêm phòng bệnh dại. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực thi những quy định này còn hạn chế.

Ở nhiều nơi, chó vẫn được thả rông, không rọ mõm trong khu dân cư, tại những nơi đông người qua lại như đường phố, công viên, thậm chí đối với những giống chó nổi tiếng hung dữ như Pitbull, Rot- tweiler, Doberman... Một số người nuôi còn có thái độ bất hợp tác khi được nhắc nhở, hoặc xem nhẹ hậu quả, dẫn đến những tình huống khó lường. Theo thống kê của Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, mới chưa đầy 3 tháng đầu năm 2024, cả nước có 27 người chết vì bệnh dại, 100 nghìn người bị chó cắn phải điều trị dự phòng.

Vì sao chưa cấm, hạn chế nuôi chó dữ?

Về các giống chó dữ nói chung, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã áp dụng các đạo luật cấm, hạn chế nuôi như ở Anh, Đạo luật về chó nguy hiểm (1991) cấm nuôi một số giống chó hung hãn như Pit- bull, Tosa Nhật, Dogo Argentino và Fila Brasileiro. Ở Đức, người muốn nuôi các giống chó nguy hiểm phải qua kiểm tra tâm lý, chứng minh khả năng tài chính và có giấy phép nuôi đặc biệt. Ở Singapore, việc nuôi chó dữ yêu cầu chủ nuôi phải đóng phí bảo hiểm cao và cam kết về việc quản lý chó... Những biện pháp này cho thấy các nước không chỉ ngăn ngừa nguy cơ mà còn nghiêm khắc xử lý để bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

Tại Việt Nam, chưa có quy định về hạn chế, cấm nuôi các loại chó dữ, kể cả các giống chó nguy hiểm hàng đầu thế giới nói trên, mặc dù nhiều năm qua đã có không ít ý kiến đề xuất cấm nuôi chó dữ hoặc siết chặt các quy định về quản lý chó dữ.

Một bộ phận người nuôi chó trong nước, kể cả nuôi chó dữ vẫn có thói quen nuôi tùy hứng, thiếu ý thức. Có người nuôi chó dữ vì sở thích, vì muốn “oai” mà hầu như không trang bị kiến thức về việc nuôi, dạy, khống chế các loại chó này, kể cả tối thiểu là quy định pháp luật cũng không đáp ứng được. Hơn bao giờ hết, cần có những quy định cụ thể hơn về việc cấm hoặc quản lý giống chó dữ như các nước đã làm, tăng cường tuyên truyền để thay đổi nhận thức và thói quen của người nuôi chó, đồng thời siết chặt xử lý vi phạm với các mức phạt nghiêm minh đối với chủ nuôi không tuân thủ. Cần đặt sự an toàn của cộng đồng lên hàng đầu, tránh để thêm những bi kịch đáng tiếc xảy ra.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật