Chùa Hương chuyển đổi số, tăng trải nghiệm du khách
Lễ hội chùa Hương có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức lễ hội, áp dụng công nghệ hiện đại đảm bảo không gian an toàn, văn minh và thân thiện.
Tích cực chuyển đổi số, tăng cường công tác quản lý
Những năm qua, Lễ hội chùa Hương đã và đang trải qua cuộc “thay da đổi thịt” với quá trình chuyển đổi số toàn diện. Những đổi mới trong công nghệ số mang đến trải nghiệm mới mẻ cho du khách thập phương, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích.
Từ năm 2024, huyện Mỹ Đức thành lập Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương vận chuyển thuyền, đò phục vụ du khách tham quan lễ Phật. Ban quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) đã chuyển đổi hình thức bán vé tham quan truyền thống sang mô hình vé điện tử, in vé hóa đơn điện tử và lắp đặt hệ thống kiểm soát vé qua mã vạch QR-Code.
Hơn 3.700 thuyền đò của hợp tác xã đã được sửa sang, sơn màu xanh, trang bị đầy đủ áo phao, giỏ đựng rác, ô che nắng, che mưa, ghế ngồi, nước uống miễn phí để phục vụ du khách...
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Minh Đức - Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Du lịch chùa Hương - cho biết, điểm mới của Lễ hội chùa Hương 2025 là có thêm các mã QR để du khách đánh giá, phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò để hợp tác xã nắm tình hình, điều chỉnh kịp thời.
Ông Nguyễn Minh Đức chia sẻ về công tác vận hành áp dụng công nghệ số ở Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn: “Năm nay, nhờ phát hành vé điện tử, hợp tác xã đã không còn tình trạng chèo kéo khách, ép giá. Các thuyền đò được xếp số thứ tự, các chủ đò có thu nhập cao hơn, đồng đều về thu nhập. Năm 2024, vẫn còn tình trạng một số chủ đò được xếp nhiều khách hơn nhưng năm nay, ban tổ chức đã cho xếp du khách bằng máy, đảm bảo sự công bằng. Áp dụng vé điện tử giúp minh bạch, công khai giá vé, tính cả vé trẻ em, tránh tình trạng tranh chấp về giá vé. Trước khi vận hành, ban quản lý dành thời gian để hướng dẫn, hỗ trợ các xã viên tiếp cận với công nghệ”.
Về không gian di tích, huyện Mỹ Đức đã tập trung chỉnh trang cảnh quan, lắp đặt panô, backdrop, bồn hoa cây cảnh dọc tuyến tỉnh lộ 419 (từ Vạn Tín đi Hương Sơn) và tuyến đi bộ hai bên bờ Suối Yến để tạo cảnh quan cho du khách về tham quan thưởng ngoạn lễ hội.
Khẳng định giá trị văn hóa lễ hội truyền thống
Phát biểu tại lễ khai hội chùa Hương Xuân Ất Tỵ, ông Đặng Văn Cảnh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội - khẳng định, chùa Hương là nơi hội tụ những giá trị văn hóa tâm linh, không chỉ là điểm đến du lịch hấp dẫn mà còn là trung tâm văn hóa tín ngưỡng có sức thu hút mạnh mẽ đối với du khách trong nước và quốc tế.
“Năm nay lễ hội 2025 với chủ đề Lễ hội chùa Hương - điểm đến du lịch văn hóa truyền thống Việt’, chùa Hương là điểm đến du lịch văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội, mang thương hiệu riêng của huyện, là nét đẹp văn hóa truyền thống Việt. Hành hương về với chùa Hương là nét đẹp của mỗi Phật tử, du khách vốn có từ ngàn xưa trở về nơi miền đất phật”, ông Đặng Văn Cảnh cho biết.
Ban quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa trong khuôn khổ lễ hội như Tuần lễ văn hóa - du lịch gồm các hoạt động hội chợ trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương và các huyện lân cận; biểu diễn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt tại địa phương, gồm: Rối cạn Tế Tiêu (thị trấn Đại Nghĩa), cồng chiêng người Mường (xã An Phú), hát chèo tại các câu lạc bộ trên địa bàn huyện...
Huyện Mỹ Đức cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý việc bày bán các mặt hàng không phù hợp gây phản cảm và việc sử dụng loa chào mời gây ồn ào trong khu vực lễ hội, bảo đảm công tác an ninh trật tự và phòng, chống cháy nổ...
Lễ hội chùa Hương được tổ chức hàng năm là hoạt động văn hóa quan trọng, khẳng định giá trị, duy trì văn hóa lễ hội truyền thống.