A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khó khăn khi làm phim điện ảnh đề tài lịch sử

Khi quá trình làm phim về đề tài lịch sử còn muôn vàn khó khăn, các nhà làm phim Việt vẫn phải đau đầu giải bài toán bối cảnh, phục trang và các yêu cầu đặc thù khác.

Khó khăn khi làm phim điện ảnh đề tài lịch sử

Phim “Đào, phở và piano” thu hút khán giả ra rạp đầu năm 2024. Ảnh: Nhà sản xuất

Khó đủ đường khi làm phim lịch sử

Đối với đề tài lịch sử, điện ảnh cách mạng Việt Nam từng có những năm tháng rực rỡ, với nhiều tác phẩm ghi dấu ấn như: “Sao tháng Tám”, “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”… hay điện ảnh đương đại cũng có nhiều tác phẩm gây tiếng vang như: “Long Thành cầm giả ca”, “Những người viết huyền thoại”, “Mùi cỏ cháy” và gần đây là “Đào, phở và piano”...

Trong khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội 2024, tại hội thảo “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học”, nhà sản xuất phim Nguyễn Trinh Hoan cũng chia sẻ những khó khăn chung mà nhà làm phim Việt đang đối mặt khi muốn khai thác đề tài lịch sử.

Ông Nguyễn Trinh Hoan cho biết, dòng phim này rất tốn kém vì phải dựng bối cảnh, trang phục, đạo cụ theo đúng lịch sử. Phim lịch sử không thu hút như phim thương mại, từ đó khó kêu gọi đầu tư và cũng không dễ để thu hồi vốn. Chưa kể, việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) với hoạt động văn hóa, thể thao từ mức 5% lên 10% cũng là rào cản, khiến chi phí tăng cao.

Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đánh giá, phim đề tài lịch sử khó làm vì khán giả không chấp nhận sự sáng tạo, coi phim lịch sử như phim tài liệu. Nhà văn cho rằng: “Với các tác phẩm về lịch sử ở Việt Nam lâu nay có một khó khăn là đôi khi tác giả quá tôn trọng lịch sử có một nỗi sợ hãi mơ hồ về nhân vật và đề tài lịch sử nên đã kìm hãm sự sáng tạo. Chúng ta phải được quyền tạo ra một không gian sáng tạo nhân vật hay giai đoạn lịch sử đó”.

Các chuyên gia chỉ ra khi nhà làm phim không thần thánh hóa nhân vật lịch sử, tìm cách kết nối họ với đời sống đương đại, họ sẽ tìm được góc khai thác mới. Bên cạnh đó, các nhà làm phim cũng kiến nghị tăng cường hỗ trợ từ Nhà nước và xem xét lại các chính sách thuế, nguồn lực đầu tư đối với sản phẩm văn hóa.

Hướng đi cho dòng phim lịch sử

Nhìn từ điện ảnh Trung Quốc, ông Qian Zhongyuan, Giám đốc sản xuất As One Production (Trung Quốc), nhà sản xuất nhiều bộ phim lịch sử thành công, chia sẻ kinh nghiệm về khai thác đề tài lịch sử trong điện ảnh.

“Ở Trung Quốc, các sự kiện lịch sử hay tác phẩm văn học đã in đậm trong ký ức của người dân. Có thể kể đến các tác phẩm gây tiếng vang như “Thủy Hử”, “Tam quốc diễn nghĩa”… Nhưng vì khán giả đã am hiểu và quen thuộc, đó vừa là lợi thế nhưng cũng là áp lực để các nhà làm phim sáng tạo” - ông Qian Zhongyuan nói.

Để khuyến khích làm phim lịch sử, Trung Quốc có nhiều chính sách hỗ trợ như các nhà làm phim luôn được nhà nghiên cứu, chuyên gia trong ngành hỗ trợ trong suốt quá trình làm phim; ủng hộ về kinh phí; các địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện quay phim ở những địa điểm mong muốn...

Còn theo đạo diễn Charlie Nguyễn, phim về lịch sử hấp dẫn, mang đến những nét đẹp văn hóa, kết nối các thế hệ. “Để làm một bộ phim lịch sử, nhà làm phim Việt có nhiều trở ngại, nhiều nỗi sợ. Phim điện ảnh về lịch sử đôi khi có thể giống như một bộ phim tài liệu và điều đó đôi khi “bó tay bó chân” nhà làm phim. Nhưng nếu phim ảnh là lịch sử, nó sẽ khô khan, không có cảm xúc. Có những sự thật thực tế đã ghi trong sử sách, nhưng phim điện ảnh sẽ thêm một sự thật về tinh thần, tâm lý, khắc họa hành trình nội tâm của một nhân vật. Đó mới là vai trò, nhiệm vụ của phim điện ảnh dựa trên sự kiện lịch sử có thật. Nhà làm phim cần cài cắm ý nghĩa, kết nối cảm xúc với khán giả đương đại để nhìn lại chặng đường lịch sử” - đạo diễn nói.

Cần có sự cân bằng giữa tôn trọng sự thật lịch sử và tự do sáng tạo để phát triển dòng phim lịch sử dựa trên kho tàng lịch sử phong phú của dân tộc. Những thước phim tái hiện lịch sử không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc mà còn đưa điện ảnh Việt Nam tiến gần hơn với mục tiêu trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn của đất nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật