A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm gấp 9 lần cùng kỳ năm ngoái

Việt Nam đã đón gần 5,6 triệu lượt khách quốc tế từ đầu năm đến nay, đạt 70% mục tiêu cả năm 2023. Cùng giai đoạn, tổng số khách du lịch nội địa đạt khoảng 64 triệu lượt góp phần giúp doanh thu toàn ngành ước đạt 343,1 nghìn tỷ đồng. Tổng cục Du lịch nhận định nhu cầu của khách quốc tế đến Việt Nam đang phục hồi nhanh hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.

Mới đây, theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 6/2023 đạt 975 nghìn lượt người, tăng 6,4% so với tháng trước và gấp 4,1 lần cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 5,6 triệu lượt người, gấp 9,3 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 65,7% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Trong tổng số gần 5,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 4,9 triệu lượt người, chiếm 87,6% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 9,3 lần cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 633,5 nghìn lượt người, chiếm 11,4% và gấp 8,1 lần; bằng đường biển đạt 55 nghìn lượt người, chiếm 1% và gấp 443,9 lần.

 Nguồn: Tổng cục Thống kê

Bên cạnh đó, theo báo cáo từ Tổng cục Du lịch, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường đưa khách quốc tế vào lớn nhất, trong tháng 6 tăng 15% so với tháng 5 và bằng gần 90% năm 2019, trước dịch Covid-19.

Nếu tính chung 6 tháng, Hàn Quốc vẫn luôn xếp thứ nhất, với hơn 1,6 triệu lượt khách trên tổng 5,57 triệu lượt khách quốc tế. So cùng kỳ 2019 lượng khách gần bằng 80%.

Sau Hàn Quốc, lần lượt là các thị trường Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Malaysia, Nhật, Singapore, Campuchia, Thái Lan, Úc.

Đặc biệt, du khách Mỹ đến Việt Nam trong tháng 6 ghi nhận con số tăng trưởng ấn tượng, tăng 52% so với tháng 5, đạt hơn 66.000 lượt khách trong 6 tháng đầu năm.

Theo các chuyên gia, đây là nhóm khách tiềm năng bởi người Mỹ có sở thích du lịch mạo hiểm, khám phá thiên nhiên, văn hóa bản địa. Trong khi đó, Việt Nam lại sở hữu nhiều lợi thế gắn với nhu cầu du lịch của nhóm khách này.

Ngoài ra, du khách Mỹ thường có khả năng chi tiêu cao và thích du lịch dài ngày. Đây là cơ hội tốt để ngành du lịch Việt Nam nắm bắt, tiến sâu hơn vào thị trường du khách Mỹ, mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội.

Trong tháng 6, các thị trường có lượng khách tăng so với tháng 5/2023 là Mỹ (tăng 52%), Na Uy (tăng 51%), Singapore (tăng 48%), Lào (tăng 25%), Đài Loan (Trung Quốc) (tăng 21%), Hàn Quốc (tăng 15%), Philippines (tăng 10%),

Ở chiều ngược lại, các thị trường có lượng khách giảm so với tháng 5 chủ yếu là khách châu Âu như Pháp (giảm 41%), Hong Kong (Trung Quốc) (giảm 37%), Bỉ (giảm 33%), Italy (giảm 31%), Canada (giảm 31%), Thụy Sỹ (giảm 28%), Hà Lan (giảm 27%), Đan Mạch (giảm 22%).

 Ảnh: Thùy Dương tổng hợp

Nửa đầu năm 2023, khu vực dịch vụ lưu trú và ăn uống là một trong những ngành có đóng góp tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Cụ thể, khu vực dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15,14%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm.

Ở giai đoạn này, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 321,7 nghìn tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Khánh Hòa có mức tăng cao nhất (51%), tiếp theo là Đà Nẵng (39,1%), Cần Thơ (37,5%), Quảng Ninh (36,9%).

Doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 14,5 nghìn tỷ đồng, tăng 65,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Đà Nẵng có mức tăng cao nhất là 174%, tiếp theo là Hà Nội (106,9%), Hải Phòng (93,2%), Thành phố Hồ Chí Minh (78,5%).

Xét riêng địa phương, doanh thu ngành du lịch của Hà Nội trong 6 tháng đầu năm chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ với mức tăng 74,4% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong tháng 6, ngành du lịch Thủ đô đã đón 2,21 triệu lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ 2022 và tăng 10% so với tháng 5/2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 316,3 nghìn lượt, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 2,03 triệu lượt, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,9 nghìn tỷ đồng, tăng 74,4% với cùng kỳ năm trước.

Về hoạt động tại các cơ sở lưu trú, tính đến tháng 6, Hà Nội có 3.756 cơ sở lưu trú du lịch với 70.218 phòng. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 61,1%, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Dự kiến thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ ban hành và triển khai kế hoạch xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề, du lịch nông nghiệp, nông thôn và các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại huyện Ba Vì.

Mới đây nhất, nhiều nhà hàng trên địa bàn thành phố được thương hiệu ẩm thực nổi tiếng hàng đầu thế giới Michelin gắn sao, vinh danh. Đây là điều kiện thuận lợi để Hà Nội đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, xây dựng những sản phẩm độc đáo, mới lạ về ẩm thực gắn với du lịch trong thời gian tới.

Tiếp đến, TP HCM cũng là địa phương ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với doanh thu du lịch lữ hành tăng cao nhất trong các nhóm tăng trưởng của thành phố, đạt 4.827 tỷ đồng tương ứng mức tăng 78,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Theo Cục Thống kê thành phố, nguyên nhân tăng cao là do bước sang quý II, hoạt động của các công ty lữ hành đang vào cao điểm dịp hè cũng như tâm lý không lo dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ sau lễ 30/4.

Bên cạnh đó, doanh thu lưu trú và ăn uống đạt 51.073 tỉ đồng, tăng 36,2% so với cùng kỳ. Đặc biệt, doanh thu lưu trú tăng cao với số lượt khách phục vụ tăng 136,1%, số ngày khách phục vụ tăng 96,1%; doanh thu ăn uống tăng 35,5% phản ánh sự nhộn nhịp trở lại du lịch, các hoạt động vui chơi giải trí ở thành phố.

Triển vọng tươi sáng cho toàn ngành nửa cuối 2023

Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google, từ đầu năm tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong top đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6 hiện nay. Việt Nam là điểm đến duy nhất trong Đông Nam Á nằm ở nhóm này.

Theo đó, Việt Nam có mức tăng trưởng ở nhóm 10 - 25%, xếp thứ 6 trên thế giới, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của khu vực Đông Nam Á (-10% đến 10%). Với kết quả này, không ngạc nhiên khi Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào nhóm tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Các nước còn lại xếp ở vị trí thấp hơn khá nhiều như Indonesia (18), Thái Lan (19), Malaysia (21), Philippines (23), Singapore (30).

Như vậy, nhu cầu về du lịch Việt Nam đang phục hồi rất nhanh, ở tốc độ cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Nắm bắt được xu hướng thị trường, Việt Nam có cơ hội tốt để thu hút khách quốc tế trong thời gian tới.

Ngoài ra, Quốc hội vừa thông qua luật sửa đổi kéo dài thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần và nâng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Những chính sách này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2023. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang xem xét mở rộng diện miễn thị thực đơn phương nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Tổng cục Du lịch cho biết, với những chính sách mới mang tính đột phá tạo thuận lợi về thị thực, xuất nhập cảnh, cùng với xu hướng thị trường tích cực, ngành du lịch tràn đầy niềm tin vào khả năng thu hút lượng lớn khách du lịch đến Việt Nam trong thời gian tới, nhất là khi mùa cao điểm du lịch quốc tế sẽ đến vào những tháng cuối năm nay.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật