Chính sách đi vào thực tiễn, hàng nghìn hộ nghèo Quảng Nam hưởng lợi
Những nụ cười của người dân vùng cao, những ngôi nhà mới dựng, vườn cây trĩu quả… là minh chứng sinh động cho nỗ lực bền bỉ của chính quyền và người dân Quảng Nam trên hành trình giảm nghèo bền vững.
Lãnh đạo Quảng Nam trao kinh phí hỗ trợ xóa nhà ở tạm, dột nát cho người dân miền núi. Ảnh: Trường An
Gieo hy vọng nơi vùng cao
Bà Nguyễn Thị Nở, ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, đơn thân nuôi hai con trong cảnh thiếu thốn nhiều năm. Nhờ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và tham gia chương trình hỗ trợ sản xuất của địa phương, bà đầu tư trồng thanh trà và chăn nuôi lợn.
Sau gần 3 năm miệt mài làm việc, nay bà đã có 3 sào vườn cây ăn quả và đàn lợn hơn 20 con. “Tôi vừa chính thức thoát nghèo vào cuối năm ngoái. Không ngờ từ hai bàn tay trắng, giờ đây có thể nuôi con ăn học đàng hoàng” - bà xúc động kể.
Tương tự, ông Hồ Văn Nênh, người dân thôn 1, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My từng là hộ nghèo trong nhiều năm liền. Thế nhưng, nhờ chương trình hỗ trợ sinh kế từ Nghị quyết 88 và Nghị quyết 120 của Quốc hội, ông được cấp giống cây quế, bò giống và được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt.
Theo ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tranh thủ tối đa nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện rà soát nhu cầu thực tế các hộ dân để có phương án hỗ trợ phù hợp. Trong đó tập trung hỗ trợ con giống, nông cụ sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt và vay vốn ưu đãi tín dụng chính sách… tạo điều kiện để người dân vươn lên, thoát nghèo bền vững.
Đây là tiền đề quan trọng giúp huyện giảm hơn 1.900 hộ nghèo trong giai đoạn 2021-2024, vượt chỉ tiêu đề ra. Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 52,57% năm 2021 đã giảm xuống còn 30,7% vào cuối năm 2024 và hướng tới giảm 525 hộ nghèo, 116 hộ cận nghèo trong năm 2025.
Quảng Nam bứt phá giảm nghèo bền vững
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết, tỉnh luôn quan điểm giảm nghèo không chỉ là hỗ trợ tạm thời mà phải giúp người dân tự lực vươn lên. Các chương trình, dự án đều hướng đến tính bền vững, phù hợp đặc thù từng địa phương.
Từ năm 2021 - 2024, tổng nguồn lực huy động để thực hiện chuẩn nghèo đa chiều ở Quảng Nam lên đến hơn 9.109 tỉ đồng. Địa phương đã triển khai nhiều chương trình giảm nghèo trọng điểm như hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, đào tạo nghề, tạo việc làm, cho vay vốn ưu đãi... Đặc biệt, chính sách hỗ trợ học sinh miền núi, người dân tộc thiểu số giúp giảm đáng kể tình trạng bỏ học, góp phần nâng cao dân trí và tạo nền tảng cho thoát nghèo bền vững.
Không chỉ hỗ trợ sinh kế, Quảng Nam tập trung đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa nhà dột nát, giúp hàng nghìn hộ gia đình an cư lạc nghiệp. Đầu năm 2024, toàn tỉnh có hơn 11.000 căn nhà tạm, nhà dột nát, đến nay, chỉ còn hơn 5.000 căn.
Năm 2025, Quảng Nam tiếp tục bố trí gần 130 tỉ đồng cho chương trình xóa nhà tạm và huy động nhiều nguồn lực để kiên cố hóa nhà ở cho người dân vùng biên giới.
“Chúng tôi quyết tâm và có đủ nguồn lực để xóa nhà tạm trên địa bàn tỉnh. Dự kiến đến tháng 10 năm nay, Quảng Nam sẽ hoàn thành mục tiêu này. Tỉnh không chỉ đặt mục tiêu xóa nhà tạm mà còn hướng đến việc đảm bảo người dân có cuộc sống ổn định, an toàn hơn. Đây là trách nhiệm của chính quyền và cộng đồng”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.
Với nhiều giải pháp linh hoạt, Quảng Nam đã giảm gần 15.000 hộ nghèo chỉ trong 2 năm 2023 - 2024, đưa tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 4,56%. Trong đó, các huyện miền núi như Tây Giang, Phước Sơn, Nam Giang… đều có mức giảm trên 5% so với năm trước, vượt chỉ tiêu kế hoạch.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho hay, tỉnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 3%. Để đạt được điều đó, Quảng Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ sinh kế, nâng cao năng lực cho người nghèo, đồng thời phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người dân tiếp cận tốt hơn với dịch vụ xã hội cơ bản.
Quảng Nam đề xuất bố trí hơn 2.613 tỉ đồng để thực hiện kế hoạch Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2026 - 2030. Riêng dự án 5 về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỉnh đề xuất xem xét nâng mức hỗ trợ đối với hộ xây mới từ 60 triệu đồng/nhà lên 100 triệu đồng/nhà; hộ sửa chữa từ 30 triệu đồng/nhà lên 60 triệu đồng/nhà để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn đến.