A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sân khấu khó đổi mới khi khán giả bị cuốn vào Facebook, TikTok

Trong bối cảnh nhu cầu giải trí của công chúng có nhiều biến động, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok bùng nổ, việc tiếp cận khán giả trở nên khó khăn hơn bao giờ hết với lĩnh vực sân khấu. Ngay cả với điện ảnh, hàng loạt dự án cũng chịu cảnh thua lỗ đầu năm 2024.

Sân khấu khó đổi mới khi khán giả bị cuốn vào Facebook, TikTok

Vở “Bộ quần áo mới của hoàng đế” do Nhà hát Kịch Việt Nam thể hiện. Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam

Nỗ lực đổi mới sân khấu

Sau dịch COVID-19, kinh tế khó khăn khiến nhu cầu tham gia các hoạt động giải trí, nghệ thuật có trả phí của khán giả giảm sút. Điều này trực tiếp tạo nên sức ép cho việc kinh doanh của các nhà hát, sân khấu kịch và phần nào ảnh hưởng tới thu nhập của nghệ sĩ.

Chưa kể, thói quen xem kịch, thưởng thức các loại hình sân khấu của khán giả đã thay đổi ít nhiều. Tận dụng và nắm bắt cơ hội từ sự phát triển của khoa học, công nghệ, mạng xã hội, nhiều nhà hát đã triển khai bán vé, cập nhật thông tin vở diễn, chăm sóc khán giả trên mạng xã hội.

Để làm được điều đó, các sân khấu phải có cơ sở vật chất hiện đại và nguồn nhân lực biết nắm bắt xu hướng, triển khai truyền thông.

Tuy nhiên, để lấy được cảm xúc của khán giả, thuyết phục người xem, căn cốt vẫn phụ thuộc vào óc sáng tạo của người nghệ sĩ thể hiện qua kịch bản, tư duy, cách dàn dựng... Điều khán giả kỳ vọng ở một tác phẩm là thông điệp, những giá trị nhân văn, cách khai thác quan hệ giữa người với người...

NSND Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - chia sẻ về những khó khăn của nghệ sĩ sân khấu hiện nay: “Riêng với diễn viên, tôi thấu hiểu nỗi lo cơm áo gạo tiền của họ. Chúng tôi cố gắng đảm bảo cho các nghệ sĩ có đủ sức khỏe để làm việc. Đời sống nghệ thuật của các nhà hát đều rất khó khăn, vì nhiều cơ chế chính sách chưa phù hợp. Tuy nhiên, sân khấu vẫn có những điểm sáng để thu hút những bạn trẻ đam mê làm nghề về đây làm việc”.

Kịch thiếu nhi cần tìm lối ra để trẻ rời màn hình máy tính

NSND Xuân Bắc cho biết, hiện trạng trẻ em “nghiện” các thiết bị thông minh liên tục được cảnh báo, nên kịch cho thiếu nhi cần được đẩy mạnh, thu hút đối tượng khán giả này đến rạp trong dịp hè.

Nhiều năm qua, các vở kịch dành cho trẻ em hầu hết là chuyển thể từ truyện cổ tích, ngụ ngôn, tác phẩm văn học nước ngoài.

Để phục vụ khán giả trẻ dịp Tết Thiếu nhi 1.6, Nhà hát Kịch Việt Nam thực hiện vở “Bộ quần áo mới của hoàng đế” với nhiều tâm huyết và nỗ lực thay đổi. Nhà hát đã mời đạo diễn người Nhật Bản Hiroyuki Muneshige sang Việt Nam sang dàn dựng, chỉ đạo trong 2 tháng; chuẩn bị đạo cụ và trang phục cho hàng chục diễn viên biểu diễn. NSND Xuân Bắc khẳng định chi phí để hoàn thiện vở kịch là rất lớn.

Dù vậy, vẫn sẽ có những thách thức để đưa vở diễn đến với khán giả nhí và làm sao để mỗi buổi diễn đều chật kín khán đài vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. NSƯT Kiều Minh Hiếu, diễn viên Tô Dũng cũng bày tỏ quan điểm cho rằng, trẻ em ngày nay đã có nhận thức rất khác, có nhiều hình thức giải trí để lựa chọn. Để khán giả nhí yêu sân khấu là điều không dễ.

Nhìn lại những yếu tố khách quan với thực trạng sân khấu hiện nay, ngay cả các bậc phụ huynh cũng thờ ơ với bộ môn nghệ thuật chính thống. Làm kịch cho thiếu nhi luôn là bài toán khó với các đơn vị nghệ thuật, khi ngày càng có nhiều sự cạnh tranh gay gắt giữa các hình thức giải trí khác nhau.

“Tôi nghĩ nhiều tác giả, biên kịch vẫn nhầm lẫn giữa viết cho trẻ em và viết về trẻ em. Qua những liên hoan kịch thiếu nhi toàn quốc, những cuộc thi viết kịch bản kịch thiếu nhi, tôi cũng hy vọng chúng ta sẽ có đội ngũ viết kịch bản thiếu nhi hùng hậu.

Trên thực tế, những vở kịch về trẻ em vẫn có những tranh cãi do sự bất đồng quan điểm của người lớn khi xem. Từ nhỏ, trẻ em được tiếp cận với sân khấu, lớn lên các bạn sẽ biết thưởng thức nghệ thuật. Các bạn nhỏ không thể coi những gì trên Tik Tok, YouTube là nghệ thuật. Điều đó rất nguy hiểm” - NSND Xuân Bắc cho biết.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan