A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xu hướng nhà sản xuất truyền hình xuất hiện trước ống kính

Việc các nhà sản xuất truyền hình Hàn Quốc xuất hiện trước ống kính và đóng vai xuyên suốt chương trình là một xu hướng mới, có cả mặt tích cực và mặt tiêu cực.

Xu hướng nhà sản xuất truyền hình xuất hiện trước ống kính

Na PD (thứ 2, từ trái sang) trong một chương trình trò chuyện cùng người hâm mộ. Ảnh: Chụp màn hình

Thời gian qua, nhiều nhà sản xuất truyền hình tại Hàn Quốc chăm chỉ xuất hiện trước ống kính, đóng vai trò chính trong các chương trình của riêng mình, thay vì chỉ đứng sau hậu trường.

Trong số đó, Na Young Seok (gọi tắt Na PD) - đạo diễn của loạt chương trình truyền hình ăn khách tại Hàn Quốc như "2 Ngày & 1 Đêm", "Cụ ông đẹp hơn hoa", "Youn's Kitchen", "Ba bữa một ngày", "Tân Tây du ký", "Gieo gì gặt nấy"... nhận về nhiều sự quan tâm.

Na PD hiện đang điều hành kênh Channel Fullmoon với 6,46 triệu người đăng kí trên YouTube. Đây không chỉ là nền tảng mà anh đăng tải các chương trình của mình mà còn là nơi anh tương tác với khán giả thông qua các cuộc trò chuyện trực tiếp với sự xuất hiện của nhiều ngôi sao nổi tiếng.

Bên cạnh việc sản xuất cho Channel Fullmoon, Na PD còn xuất hiện trên show "PD Log" của EBS, "Earth Arcade's Vroom Vroom" của tvN và mang đến nhiều tiếng cười cho người xem nhờ màn dẫn dắt duyên dáng của mình.

Nhờ nỗ lực làm mới bản thân, tháng 5 vừa qua, Na PD cũng trở thành nhà sản xuất đầu tiên giành được giải Nam nghệ sĩ giải trí xuất sắc nhất tại Lễ trao giải nghệ thuật Baeksang đánh bại các nghệ sĩ hài hàng đầu như Yoo Jae Suk, Tak Jae Hoon.

Ngoài Na PD, thì Jang Si Won cũng là cái tên được chú ý khi đảm nhận vai trò nhà sản xuất chính của chương trình truyền hình thực tế về bóng chày nổi tiếng của JTBC - "A Clean Sweep". Ngoài việc thường xuyên xuất hiện để dẫn dắt đội bóng chày, Jang Si Won đảm nhận vai trò quan trọng trong việc đánh lừa dàn diễn viên tham gia.

Trước sự thay đổi của các nhà sản xuất xuất hiện trước ống kính và đóng vai trò chính tại các chương trình truyền hình, tờ Korea Herald (Hàn Quốc) cho rằng, đây là một xu hướng có cả mặt tích cực và mặt tiêu cực.

Nhà phê bình văn hóa đại chúng Ha Jae Geun cho biết, sự xuất hiện của các nhà sản xuất mang đến cho khán giả sự tò mò, khiến họ cảm nhận được sự thân thiện, thay vì nhìn thấy một nhân vật bóng tối với hình ảnh uy quyền đằng sau máy quay.

"Các nhà sản xuất nắm giữ quyền lực tuyệt đối trong một chương trình. Vì vậy, khi một nhà sản xuất, người nắm giữ quyền lực như vậy, tỏ ra dễ bị tổn thương trước dàn diễn viên hoặc những cá nhân kém quyền lực hơn, người xem có thể thấy hành động này mang tính giải trí".

Tuy nhiên, Ha Jae Geun cũng cảnh báo rằng, các nhà sản xuất cần có cách tiếp cận thận trọng với những gì họ làm trên màn ảnh. "Nếu chương trình miêu tả các nhà sản xuất là người sử dụng quyền lực của mình, người xem có thể hiểu đó là hành vi bắt nạt và cảm thấy khó chịu".

Đây cũng được xem là thách thức với các nhà sản xuất, tránh việc sử dụng những trò nói dối, "chơi khăm" khách mời quá đà, gây phản cảm nơi người xem.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan