A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính sách nông nghiệp: Chìa khóa nâng cao giá trị nông sản Sơn La

Chính sách nông nghiệp Sơn La đã được xây dựng với mục tiêu xây dựng Sơn La trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc.

Đa dạng chính sách đầu tư vào nông nghiệp

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, ngày 21/1/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đề ra với quan điểm "Thúc đẩy tăng trưởng xanh; xây dựng Sơn La phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc".

Thực hiện Nghị quyết số 08, UBND tỉnh ban hành 10 kế hoạch, 6 đề án; thành lập Tổ công tác theo dõi, triển khai thực hiện Nghị quyết; đồng thời khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, HTX, người dân tham gia đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Chính sách nông nghiệp: Chìa khóa nâng cao giá trị nông sản Sơn La

Năm 2022, giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp và thủy sản Sơn La đạt 14.800 tỷ đồng.

Sau một năm thực hiện Nghị quyết số 08, cơ cấu ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng khai thác tốt tiềm năng, lợi thế từng vùng, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và mang lại hiệu quả khả quan. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La, năm 2022, giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 14.800 tỷ đồng.

Lĩnh vực trồng trọt đã có bước chuyển dịch theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Toàn tỉnh hiện có trên 80.000 ha cây ăn quả; 736 HTX nông nghiệp; đã cấp được 241 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; trên 1.200 ha ứng dụng mô hình tưới tiết kiệm nước; 53 ha sản xuất trong nhà kính, nhà lưới; hơn 17.500 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương; 11 mô hình thí điểm sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ; xây dựng và duy trì 235 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn; 83 sản phẩm OCOP; 21 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ; 17 mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Đơn cử, đến năm 2022, toàn tỉnh có 18.963 ha cà phê, sản lượng cà phê nhân trên 29.600 tấn. Giá trị sản xuất cà phê nhân theo giá hiện hành đạt trên 1.266 tỷ đồng, bằng 7,6% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Có 2 vùng cà phê được UBND tỉnh công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 1 chỉ dẫn địa lý Cà phê Sơn La. Hình thành 8 nhà máy, cơ sở chế biến cà phê áp dụng công nghệ hiện đại; ổn định đầu ra và cải thiện thu nhập cho người sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng sản xuất cà phê tại Sơn La.

Tỉnh cũng phát triển được cây mận thành sản phẩm hàng hóa với tổng diện tích mận hậu lên tới 46 ha (31,5 ha mận được cấp mã số vùng trồng). Từ những gốc mận trước đây, thành viên HTX nông sản bản địa Noọng Piêu (xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu) cắt tỉa cành, giảm số lượng quả để chăm sóc kỹ hơn về dinh dưỡng; tăng cường phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp sinh học; lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm; sử dụng phân hữu cơ ủ hoai mục để bón cho mận hậu. Quy hoạch vùng sản xuất, tạo các sản phẩm khác nhau, như vùng mận VIP, cho ra quả có size 10-12 quả/kg, gọi là “mận Ruby”, có giá bán cao gấp 6-8 lần loại thông thường; vùng mận chín sớm; vùng mận chín muộn... đáp ứng yêu cầu thị trường.

Không chỉ chủ động kết nối tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh, HTX còn mở rộng tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, như AEON MALL, hệ thống cửa hàng Kingfood, BigC Sài Gòn; ký hợp tác tiêu thụ sản phẩm với Bưu điện các tỉnh và hệ thống bán hàng trực tuyến Sendo... Năm 2022, HTX tiêu thụ 300 tấn mận cho người dân trên địa bàn; thu nhập bình quân của các thành viên đạt từ 400-600 triệu đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức tiền công 4-5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, HTX đang hợp tác cùng Công ty cổ phần FOSACHA xuất khẩu “mận Ruby” sang thị trường EU trong mùa vụ năm nay.

Một loại nông sản khác là dâu tây cũng phát triển tương đối mạnh tại Sơn La. Hiện, mô hình trồng dâu tây áp dụng khoa học kỹ thuật gắn với phát triển du lịch đang mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Đông Sang - huyện Mộc Châu

Xã Đông Sang có trên 90 ha dâu tây, thường được trồng vào khoảng tháng 9 dương lịch, thời điểm cây dâu cho quả nhiều nhất cuối tháng 12 đến đầu tháng 4 dương lịch. Năng suất đạt trên 15 tấn quả/ha, giá bán khoảng 200.000 đồng/kg; bình quân mỗi ha dâu tây cho thu nhập từ 3-4 tỷ đồng/năm.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng dâu tây và nắm bắt nhu cầu thị trường, xã Đông Sang đã khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng dâu tập trung. Đồng thời, phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn các hộ trồng dâu theo tiêu chuẩn VietGAP, để sản phẩm quả dâu tây ngon, sạch, an toàn, tạo được lòng tin với người tiêu dùng.

Không chỉ mang lại giá trị kinh tế từ thu hoạch quả, những vườn dâu tây cũng thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chụp ảnh và trải nghiệm hái những trái dâu tây chín mọng để thưởng thức và đem về làm quà. Một trong những địa điểm được đông đảo du khách tìm đến là Trang trại dâu tây Chimi Farm Mộc Châu, bản Áng, với hơn 1 ha dâu tây theo quy trình khép kín, hiện đại.

Mặc dù đã đạt được, so với tiềm năng và lợi thế của tỉnh Sơn La, những kết quả vẫn còn rất khiêm tốn. Hiện diện tích được cấp mã số vùng trồng chỉ chiếm 8,7% tổng diện tích cho cây ăn quả cho sản phẩm. Các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là quy mô nhỏ, vừa chiếm gần 80% tổng số HTX nông nghiệp, năng lực quản trị còn hạn chế. Một số HTX nông nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi do không có tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, quy hoạch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Sơn La vào năm 2030 chưa được tích hợp vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia...

Thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Tháo gỡ những khó khăn này, tỉnh Sơn La đã quan tâm chỉ đạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, việc thu hút đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao được hưởng nhiều ưu đãi.

Bên cạnh đó, tích cực chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản nhất là các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà kính, tưới tiết kiệm nước, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng công nghệ trong thu hoạch, bảo quản, sơ chế, đóng gói sản phẩm…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan