Triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị quyết 11
NHCSXH vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Đồng chủ trì hội nghị có Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú, Ủy viên HĐQT NHCSXH; Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh, Ủy viên HĐQT NHCSXH; Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh và Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng.
Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và các đồng chí chủ trì Hội nghị |
NHCSXH sẽ triển khai nhiều chương trình hỗ trợ
Theo Nghị quyết 11/NQ-CP, NHCSXH được giao triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trong 2 năm (2022 - 2023), gồm: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 và các văn bản có liên quan. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 10.000 tỷ đồng, trong đó năm 2022 tổng nguồn vốn cho vay tối đa 7.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng sẽ triển khai cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015, khoản 10 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 và các văn bản có liên quan. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng, trong đó năm 2022 tổng nguồn vốn cho vay tối đa 6.800 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, NHCSXH cũng được giao nhiệm vụ triển khai cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 3.000 tỷ đồng, trong đó năm 2022 tổng nguồn vốn cho vay tối đa 1.500 tỷ đồng; Cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 9.000 tỷ đồng, trong đó năm 2022 tổng nguồn vốn cho vay tối đa 3.000 tỷ đồng; Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 1.400 tỷ đồng, trong đó năm 2022 tổng nguồn vốn cho vay tối đa 700 tỷ đồng. Đồng thời, tiếp tục triển khai cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại hội nghị lãnh đạo NHNN Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; thành phố Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa, Sóc Trăng, Hà Giang… bày tỏ đồng tình và thống nhất cao với nội dung báo cáo, đồng thời đề xuất, kiến nghị một số nội dung, giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, nhanh chóng đưa Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ vào cuộc sống.
Cần sự phối hợp để triển khai hiệu quả
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao hoạt động của hệ thống NHCSXH đã đạt được trong những năm qua, giữ vững niềm tin của xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao và đạt được kết quả khả quan trên nhiều mặt nổi bật.
Theo đó, NHCSXH đã thiết lập, duy trì và hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý đặc thù, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta thông qua hoạt động của HĐQT cấp Trung ương và Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp, đáp ứng yêu cầu tập trung nguồn lực xã hội, tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, thực hiện xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao.
Bên cạnh đó, NHCSXH đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách thông qua việc ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách cho 4 tổ chức chính trị - xã hội. Hiện nay, hoạt động ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội đang được triển khai thực hiện tốt thông qua 10.429 điểm giao dịch xã, với gần 170 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác…
Nhấn mạnh việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ nhằm nhanh chóng triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng đánh giá cao quyết tâm của NHCSXH và các bộ, ngành trong việc triển khai chỉ đạo của Chính phủ.
“Việc ban hành chính sách đã khó, việc tổ chức triển khai thực hiện còn khó hơn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp nhịp nhàng”, Phó Thủ tướng yêu cầu NHCSXH tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, NHCSXH cần phân bổ nguồn vốn hài hòa giữa các địa phương, đảm bảo nguồn vốn đến đúng địa chỉ, bảo đảm công khai, minh bạch; không để xảy ra sai sót, vi phạm. “Cần xác định rõ, nhiệm vụ thực hiện Chương trình không phải của riêng NHCSXH mà cũng là nhiệm vụ của địa phương mình...”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ được giao giải ngân tổng số tiền 38.400 tỷ đồng, Phó Thủ tướng yêu cầu NHCSXH phải phối hợp với các bộ, ngành trình cấp có thẩm quyền sớm hoàn thiện các chính sách, tổ chức triển khai các chương trình nhanh, hiệu quả, vì nền kinh tế đất nước đang bị tổn thương, không để lâu, gây bất lợi cho người lao động, bất lợi cho đất nước. “Tôi tin tưởng với uy tín, kinh nghiệm của mình, NHCSXH sẽ làm tốt nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cam kết sẽ nhanh chóng cụ thể hóa chỉ đạo của Phó Thủ tướng thành các kế hoạch chi tiết cụ thể để triển khai thực hiện. Với tinh thần “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, tập thể cán bộ, người lao động trong toàn hệ thống sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, xây dựng hệ thống NHCSXH không ngừng phát triển, giữ vững niềm tin của xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.