Chung tay chăm lo cho người nghèo
Thành lập Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo; là nội dung Quyết định 656/QĐ-TTg ngày 16/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Ảnh minh họa (Ảnh: Báo dân tộc). |
Theo Quyết định này, Quỹ được thành lập để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền (bao gồm tiền mặt và chuyển khoản) của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định pháp luật.
Việt Nam đã và đang xuất hiện nhiều tỷ phú. Đây là niềm vui, tự hào chung của đất nước. Tháng 5/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 41-TW/NQ của Bộ Chính trị, đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có 10 tỷ phú, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Chính họ sẽ góp phần đảm nhận vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt, chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu và làm chủ một số chuỗi giá trị công - nông nghiệp.
Đáng tiếc, người nghèo trong xã hội vẫn còn. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều cả nước còn 2,93%; tổng số hộ nghèo là 815.101 hộ. Về hộ cận nghèo cả nước là 2,78%; tổng số hộ cận nghèo là 771.235 hộ.
Một trong những nội dung nổi bật được đánh giá cao trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng là xác định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới”, “Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau” những năm qua đã trở thành phương châm trong chỉ đạo; thành một trong những nội dung của các phong trào nhân ái trong xã hội, thể hiện rất rõ trong 2 năm cả nước chống chọi với đại dịch Covid-19.
Xã hội mà chúng ta đang xây dựng, không phải giàu nghèo “bình quân”. Còn người nghèo, hộ nghèo là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, bằng nhiều nguồn lực khác nhau phải chung tay chăm lo cho người nghèo. Hàng năm số hộ nghèo, cận nghèo đều giảm.
Chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách “cho không”, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Cùng với đó, tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành, như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lý. Vì vậy, Quyết định 656/QĐ-TTg càng thể hiện sâu sắc hơn một trong những bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng.