A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Có nên đi làm với mức lương cao nhưng không đóng bảo hiểm xã hội?

Khi đi phỏng vấn vào những ngày đầu tháng 3.2024, tôi được người quản lý đề xuất với mức lương cao hơn gần 20% so với thị trường và kỳ vọng tôi đặt ra. Tuy nhiên, phía công ty sẽ không ký hợp đồng cũng như đóng bảo hiểm xã hội khiến tôi khá do dự.

Có nên đi làm với mức lương cao nhưng không đóng bảo hiểm xã hội?

Khi đi phỏng vấn, người lao động chọn mức lương cao hay mức lương trung bình nhưng được đóng bảo hiểm? Ảnh: Anh Thư.

Với 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung, tôi đến phỏng vấn tại một công ty tư nhân. Sau khi trao đổi xong về công việc, tôi có đề xuất mức lương 11 triệu đồng/tháng, người quản lý đã đồng ý. Mọi chuyện chẳng có gì đáng nói, tôi sẽ đi làm đúng như dự định cho đến khi hỏi về chế độ đãi ngộ...

Nam quản lý này trao đổi, do nhân sự ra vào thường xuyên, biến động chưa ổn định nên hiện tại, công ty chỉ ký hợp đồng, đóng bảo hiểm xã hội cho các vị trí quản lý trở lên. Với nhân viên thì công ty không thực hiện quy định này.

Tuy nhiên, người này lại đưa ra đề xuất sẽ tăng mức lương của tôi lên 13 triệu đồng/tháng. Các đãi ngộ khác như du lịch, hiếu, hỷ, sinh nhật vẫn có, chỉ khác là những ngày nghỉ ốm hoặc nghỉ ngày lễ, Tết không có thu nhập.

Vị trưởng phòng cùng ngồi phỏng vấn cũng không quên nhấn mạnh 2 triệu đồng công ty tăng thêm có thể coi như khoản đóng bảo hiểm xã hội bù đắp cho nhân viên. Suy đi tính lại, ứng tuyển như tôi cũng không bị thiệt. Tôi có thể trích ra số tiền này nhờ công ty khác đóng bảo hiểm xã hội hoặc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được.

Người trưởng phòng còn nhắn nhủ tôi cứ suy nghĩ thật kỹ. Công ty phù hợp hơn với những người thích bứt phá, làm vì thu nhập cao. Tôi nghĩ thầm, nếu thích sự ổn định, nghĩ cho lâu dài thì công ty này lại không phù hợp.

Điều này làm tôi khá bối rối vì mức lương 13 triệu đồng đúng là cao hơn mức chung của thị trường, với năng lực của tôi. Nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, tìm được công việc có thu nhập cao hơn mong đợi thực sự không phải chuyện dễ.

Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ hơn thì mức đóng bảo hiểm của công ty dành cho người lao động là 21,5%. Bên cạnh đó, nếu không được đóng bảo hiểm, tôi sẽ mất đi rất nhiều quyền lợi.

Dễ thấy nhất là không có bảo hiểm y tế, các ngày nghỉ theo quy định không được chi trả. Không ký hợp đồng nhỡ như có xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn gì thì làm thế nào đảm bảo quyền lợi cho bản thân. Sau này về già, tôi cũng chẳng có đồng lương hưu nào nếu như bây giờ không tiết kiệm một cách kỷ luật.

Rồi sau đó, tôi có suy nghĩ thoáng qua: Hay là cứ nhận lời vào làm thử trước một thời gian để có thu nhập. Sau này không hợp hoặc muốn được đóng bảo hiểm xã hội thì chuyển nơi làm việc khác. Quan điểm này bất giác xuất hiện trong suy nghĩ vì hiện tại, tôi vẫn còn khá trẻ.

Theo Khoản 2 Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019: “Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động”.

Bên cạnh đó, theo Khoản 1, Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: Người làm việc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

Có nên đi làm với mức lương cao nhưng không đóng bảo hiểm xã hội?

Bạn đọc có quan điểm về vấn đề này xin gửi về email của toà soạn: toasoan@laodong.com.vn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan