A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ quan thanh tra chỉ ra nhiều tồn tại, sai sót tại MSB

Cơ quan thanh tra thuộc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ ra nhiều tồn tại, sai sót trong hoạt động của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam, đồng thời đề xuất giải pháp khắc phục.

Kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều tồn tại của MSB (Ảnh minh họa)
Kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều tồn tại của MSB (Ảnh minh họa)

Tồn tại nhiều vấn đề

Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng II vừa ban hành Kết luận thanh tra Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), qua đó chỉ ra nhiều tồn tại của ngân hàng này trong hoạt động cấp tín dụng, xử lý nợ xấu...

Cụ thể, kết luận thanh tra xác định một vài quy trình nghiệp vụ của ngân hàng này còn mang tính khái quát về nội dung, chưa sát với thực tế hoạt động và thị trường, dẫn đến còn có một số hạn chế, thiếu sót và chưa tuân thủ quy định, cụ thể như sau: Thẩm định và quyết định cho vay đối với một số hồ sơ cấp tín dụng cho khách hàng chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ theo quy định.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát đối với một số khoản cấp tín dụng của MSB chưa cập nhật đầy đủ, kịp thời theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã sửa đổi, bổ sung) và một số quy định pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời, MSB thực hiện phân loại nợ đối với một số khoản vay chưa kịp thời theo quy định và thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm và/hoặc lập hợp đồng thế chấp, phong tỏa, đăng ký giao dịch bảo đảm đối với một số hồ sơ chưa đúng quy định.

Tiếp đến, tỷ lệ thu hồi đối với các khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro của MSB chưa đạt như kỳ vọng, một số tài sản bảo đảm thu giữ sau xử lý rủi ro là máy móc, thiết bị, nhà xưởng đã xuống cấp và giảm giá trị so với thời điểm thu giữ; tài sản bảo đảm là cổ phần của doanh nghiệp nhưng đã dừng hoạt động; tài sản bảo đảm là bất động sản nhưng chủ sở hữu đang có vướng mắc về pháp lý dẫn đến khả năng thu hồi thấp.

Qua thanh tra cho thấy việc, cấp tín dụng, kiểm tra/giám sát sau cho vay, đôn đốc thu hồi nợ còn có một số hạn chế, thiếu sót và chưa đúng quy định tại Quyết định số 1627/2001/QĐ- NHNN; Thông tư số 39/2016/TT-NHNN; Thông tư số 11/2021/TT-NHNN của Thống đốc NHNN (đã sửa đổi, bổ sung) và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã sửa đổi, bổ sung).

Ngoài ra, kết luận thanh tra còn chỉ ra, giai đoạn từ ngày 1/1/2020 đến 30/9/2023, một số cổ đông của MSB phát sinh các giao dịch chuyển nhượng mà sau giao dịch dẫn đến cổ đông lớn trở thành cổ đông thường và ngược lại, nhưng thực hiện chưa đầy đủ theo trình tự thủ tục theo quy định.

Khẩn trương khắc phục

Từ những tồn tại, sai soát trên, Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng II yêu cầu và kiến nghị HĐQT, Ban Điều hành của MSB khắc phục các vi phạm, tồn tại đã nêu. Đầu tiên, cần minh bạch hơn trong việc chuyển nhượng cổ phiếu, bao gồm việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan, tiến hành kiểm tra và cung cấp thông tin chi tiết để nhận diện những giao dịch không hợp pháp.

Cùng với đó, chấn chỉnh công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng (thu thập đầy đủ thông tin/tài liệu để làm căn cứ thẩm định, phân tích, đánh giá đầy đủ, chặt chẽ các yếu tố cấu thành phương án sử dụng vốn vay, nguồn trả nợ của khách hàng...) theo quy định.

Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng II cũng yêu cầu MSB có biện pháp quản lý, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tài sản bảo đảm là quyền tài sản hình thành trong tương lai phát sinh từ các dự án bất động sản; đồng thời phối hợp với khách hàng có lộ trình hoàn thiện pháp lý và thực hiện nhận tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ của MSB.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật